Showing posts with label Tin khoa học. Show all posts
Showing posts with label Tin khoa học. Show all posts

Saturday, September 22, 2012

Cần bao nhiêu phân tử nước mới kết thành băng?

Cần bao nhiêu phân tử nước để tạo thành một cục băng nhỏ nhất? Khoảng chừng 275: đó là kết luận của các nhà nghiên cứu ở Đức và Cộng hòa Czech, họ đã phát triển kĩ thuật đầu tiên từng được sử dụng để khảo sát những cụm lớn gồm những phân tử nước. Kết quả của họ có thể giúp làm sáng tỏ sự hình thành của băng tuyết trên cao trong khí quyển.

Những cụm nước là những tập hợp gồm những phân tử nước được giữ lại với nhau bằng những liên kết hydrogen liên phân tử. Cho đến nay, đa số nghiên cứu tập trung vào những cụm nhỏ với 12 phân tử hoặc ít hơn và cấu trúc của những vật thể này mang lại cái na ná như cục băng. Trong vài năm qua, các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã phát triển một kĩ thuật dựa trên nền quang phổ học để khảo sát những cụm nước chứa tới 50 phân tử. Tuy nhiên, sự phân tích cấu trúc chi tiết của những cụm gồm 100 – 1000 phân tử, nơi người ta nghĩ sự kết tinh sẽ xảy ra, vẫn nằm ngoài tầm với của những nghiên cứu này.

Khó khăn chính trong việc phân tích những cụm nước lớn là biết chính xác chúng có chứa bao nhiêu phân tử. Công việc này được thực hiện bằng cách đo phổ khối, tức là làm ion hóa các cụm bằng cách cho chúng chịu bức xạ năng lượng cao, bức xạ có thể làm cho những cụm mong mảnh vỡ ra từng mảnh. Ngoài ra, các nhà khoa học còn muốn nghiên cứu những cụm nước trung hòa thay vì tích điện vì những cụm này có mặt trong phần lớn những quá trình kết tinh băng trong tự nhiên.
Hình minh họa cấu trúc phân tử của ba cụm nước thể hiện nhân kết tinh xuất hiện như thế nào khi những cụm nước tăng kích cỡ. Những tinh thể băng đầu tiên xuất hiện ở những cụm cỡ khoảng gồm 275 phân tử. (Ảnh: Victoria Buch, Cristoph Pradzynski và Udo Buck)

Những cụm nước pha tạp


Nay các nhà nghiên cứu trong đó có Thomas Zeuchn tại Viện Physikalische Chemie ở Göttingen, Đức, vừa tìm ra một phương pháp phân tích những cụm nước trung hòa chứa hàng trăm phân tử. Thành công của họ nằm ở hai thủ thuật khéo léo. Thứ nhất, mỗi cụm nước được pha tạp một nguyên tử natri. Việc sử dụng kim loại hoạt tính cao này đồng nghĩa là những cụm nước pha tạp đó bị ion hóa dễ dàng hơn những cụm tinh khiết và đảm bảo rằng electron giải phóng ra từ nguyên tử natri chứ không phải từ cụm nước trung hòa.

Thứ hai, trước khi bị ion hóa, những cụm nước pha tạp được kích thích bằng bức xạ hồng ngoại. Bức xạ này làm tăng nhiệt độ của chúng, do đó làm thay đổi cấu trúc của chúng theo hướng làm giảm thế ion hóa của chúng. Sau đó những cụm nước có thể bị ion hóa với một laser tử ngoại 390 nm, nó có năng lượng đủ thấp để tránh sự phân mảnh do vỡ. Kích cỡ của những cụm nước ion hóa này được xác định bằng kĩ thuật phổ khối thời gian bay (TOF).

Sau đó, để khảo sát cấu trúc của chúng, phổ hồng ngoại của những cụm nước được mang ra tính toán. Bức xạ hồng ngoại với số sóng từ 2800 đến 3800 cm-1 được sử dụng, tương ứng với tần số dao động (giãn) của các liên kết oxygen-hydrogen. Phổ dao động này mang lại cái nhìn có chiều sâu về sự sắp xếp của các phân tử nước bên trong cụm. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu biết rằng băng kết tinh có sự hấp thụ tối đa ở những số sóng khoảng 3200 cm-1, còn băng vô định hình và nước lỏng có sự hấp thụ tối đa ở số sóng xấp xỉ 3400 cm-1.


Biến nước thành băng


Zeuch và các đồng sự đã thu được phổ hồng ngoại cho những cụm nước cỡ từ 85 đến 475 phân tử. Đúng như trông đợi, có một sự lệch cực đại phổ về phía số sóng thấp khi kích cỡ cụm tăng lên. Sự chuyển tiếp từ 3400 đến 3200 cm-1 bắt đầu tại khoảng 275 phân tử, với cục băng kết tinh đầu tiên xuất hiện ở chính giữa cụm, tạo thành một cái vòng gồm sáu phân tử nước liên kết hydrogen trong một cấu trúc tứ diện.


Khi kích cỡ cụm tăng lên thêm, nhân kết tinh dần dần lớn lên. Với 475 phân tử, phổ hồng ngoại bị át trội bởi cấu trúc băng: sự hình thành tinh thể băng gần như là hoàn toàn. Hành trạng này khớp với các tiên đoán lí thuyết do một nhóm nghiên cứu khác nêu ra hồi năm 2004.


“Chẳng có gì bất ngờ rằng nước kết tinh khi bạn mang một số lượng phân tử nước nhất định đến gần nhau,” Zeuch nói. “Nhưng câu hỏi đặt ra là ‘Cái này xảy ra ở đâu?’ Nay chúng tôi vừa phát triển một kĩ thuật xác định rõ ngưỡng kích cỡ mà sự kết tinh xảy ra.”


Tiến lên tầng bình lưu


Kĩ thuật mới này có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu các quá trình tạo mây trong khí quyển của Trái đất. “Có những vùng trong tầng bình lưu không có điểm tạo nhân nào cả nơi các tinh thể băng được hình thành trực tiếp từ các phân tử nước,” Zeuch nói. “Cơ chế động lực học của quá trình này nay có thể được lập mô phỏng một cách chi tiết hơn.”


“Đây thật sự là những kết quả hấp dẫn,” phát biểu của Francesco Paesani, một nhà hóa học tại trường Đại học California, San Diego, người nghiên cứu những cụm phân tử nước. “Những hạt nước cỡ nanomet giữ một vai trò quan trọng trong khí quyển và có thể tìm thấy các tinh thể băng ở nhiều loại mây. Do đó, việc tìm hiểu những cụm nước kết tinh như thế nào mang lại những kiến thức cơ bản về sự tạo mây và các tính chất, cái hóa ra có ảnh hưởng đến quỹ bức xạ và khí hậu của Trái đất.”


Zeuch cũng tin rằng nghiên cứu trên sẽ giúp các nhà khoa học lập mô phỏng tốt hơn sự tương tác giữa những cụm nước trong các mô phỏng động lực học phân tử. Việc biết chính xác những cụm nước này hành xử như thế nào trong toàn khối nước là một trong những mục tiêu chính của những mô hình này và là một trong những vấn đề lớn chưa được giải quyết trong hóa học.

Tham khảo: http://www.sciencemag.org/content/337/6101/1529.abstract
Nguồn: physicsworld.com

Friday, September 7, 2012

Phát hiện 'siêu Trái đất' mới

Các nhà thiên văn học đã phát hiện một siêu Trái đất mới trong khu vực có thể tồn tại sự sống quanh ngôi sao lùn đỏ Gliese 163.

Nhóm các nhà thiên văn quốc tế, đứng đầu bởi tiến sĩ Xavier Bonfils thuộc Viện Hành tinh học và Vật lý học thiên thể Grenoble (Pháp), đã phát hiện một siêu Trái đất với có tên là Gliese 163c nhờ sử dụng kính thiên văn HARPS đặt tại Đài thiên văn Southern Observatory của Cơ quan vũ trụ châu Âu ở Chile.
Hành tinh Gliese 163c có trọng lượng lớn hơn 6,9 lần Trái đất và có quỹ đạo 26 ngày quanh ngôi sao lùn đỏ Gliese 163 thuộc chòm sao Dorado – cách hành tinh của chúng ta 49 năm ánh sáng. Nhóm nghiên cứu cho biết: “Gliese 163c có kích thước lớp gấp từ 1,8 đến 2,4 lần so với đường kính Trái đất, phụ thuộc vào hành tinh này được cấu tạo phần lớn là đá hay nước”.

Gliese 163c nhận ánh sáng trung bình từ ngôi sao mẹ nhiều hơn 40% so với Trái đất nhận ánh sáng từ Mặt trời, khiến hành tinh
Gliese 163c nóng hơn Trái đất. Trong khi đó, sao Kim nhận ánh sáng từ Mặt trời nhiều hơn 90% so với hành tinh của chúng ta.


“Chúng tôi không biết các đặc tính bầu khí quyển của hành tinh Gliese 163c, nhưng nếu cho rằng nó bầu khí quyển tương tự Trái đất, thì nhiệt độ bề mặt của hành tinh này vào khoảng 60°C”, các nhà nghiên cứu cho biết trên Daily Mail.


Phần lớn sự sống phức tạp trên Trái đất, như thực vật, động vật và con người, không thể sống sót ở nhiệt độ trên 50°C. Nhưng nhiều tổ chức sống có cấu tạo đặc biệt có thể thích nghi mới mức nhiệt độ trên hoặc cao hơn.


Cùng với hành tinh ‘siêu Trái đất’ Gliese 163c, nhóm nghiên cứu cũng phát hiện một hành tinh lớn hơn, được đặt tên là Gliese 163b, nằm gần ngôi sao mẹ hơn và có chu kỳ quỹ đạo chỉ 9 ngày. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện một hành tinh thứ 3 quay quanh ngôi sao lùn Gliese 163, nhưng hành tinh không được đặt tên vì nó ở khoảng cách quá xa ngôi sao mẹ.
Hà hương - vietnamnet

Wednesday, September 5, 2012

Tại sao chiến binh Ai Cập lại cắt tay phải kẻ thù?

Một nhóm nhà khảo cổ vừa phát hiện ra một cảnh tượng như trong phim kinh dị với 16 bàn tay bị chặt đứt được chôn ở bên trong và xung quanh một cung điện Ai Cập thời cổ đại.
Những bàn tay này có niên đại khoảng 3.600 năm trước vào thời kỳ Hyksos cai trị. Tất cả các bàn tay đều là bàn tay phải và có kích thước khá lớn. Hai bàn tay được tìm thấy phía trước cung điện còn lại được chôn ở bên ngoài cung điện. Tuy nhiên, đây không phải là hình thức ướp xác hay chôn cất thân thể của các vị vua.


Cắt bàn tay phải có ý nghĩa loại bỏ sức mạnh kẻ thù vĩnh viễn (Ảnh: News.com)
Theo nhà khảo cổ học người Áo Manfred Bietak, đồng thời là người dẫn đầu cuộc khai quật ở thành phố cổ Avaris cho biết, các bàn tay bị cắt đứt này là những bằng chứng đầu tiên chứng tỏ sự thật trong các câu chuyện văn học và nghệ thuật Ai Cập cổ đại, kể về những người lính thường cắt bàn tay phải của kẻ thù để nhận tiền thưởng. Việc chọn cắt bàn tay phải vì tay phải thường là biểu tượng của sức mạnh. Cắt tay phải cũng có nghĩa sẽ tước đi sức mạnh mãi mãi của kẻ thù.

Cắt tay phải của kẻ thù trong cuộc chiến được cả người Hyksos và Ai Cập cổ đại thực hiện. Trước đấy, trong một đoạn văn ghi trên bức tường ngôi mộ của Ahmose, con trai của Ibana, một chiến binh Ai Cập trong cuộc chiến chống lại Hyksos và Nubians, viết khoảng 80 năm sau khi 16 bàn tay trên được chôn cất cũng đã ghi chép lại điều này.

Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết được nguồn gốc của tục lệ khủng khiếp trong chiến trách này có xuất xứ ở đâu. Mặc dù trước đó, việc tra tấn tù nhân ở Ai Cập cổ đại diễn ra với những hình thức ghê tởm như chặt đầu hoặc đập nát đầu đã có từ 5.000 năm trước.
Tham khảo: Livescience
Theo Đất Việt, Livescience
Từ khóa :chiến binh ai cập, cắt tay kẻ thù, tay phải, thời kỳ hyksos, thành phố cổ avaris, manfred bietak

Friday, August 31, 2012

Phát hiện ngôi sao lớn gấp 300 lần mặt trời


Các nhà khoa học cho rằng đã giải mã được bí mật lớn nhất trong vũ trụ, sau khi phát hiện những ngôi sao lớn không tưởng tại thiên hà vệ tinh của dải Ngân hà.


Giới khoa học đã đưa ra giả thuyết mới mà họ cho rằng có thể giúp trả lời cho một trong những bí ẩn lớn nhất vũ trụ: đó là không tồn tại một cách tự nhiên các ngôi sao lớn hơn mức 150 lần so với mặt trời.


Vũ trụ còn quá nhiều điều vượt qua tưởng tượng của con người - (Ảnh: NASA)

Vào năm 2010, các chuyên gia của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện bốn ngôi sao có thể biến mọi thiên thể trước đó thành kẻ lùn. Chúng có kích thước lớn gấp 300 lần mặt trời, tức to gấp đôi ngôi sao lớn nhất mà giới khoa học từng có thể tưởng tượng được trước đây.

Mới đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Bonn (Đức) cho biết, một phần của cụm sao khổng lồ R136 thuộc Đám Mây lớn Magellan (LMC), cách Trái đất 160.000 năm ánh sáng và là thiên hà vệ tinh gần thứ 3 của dải Ngân hà, có thể tồn tại ở kích thước nói trên khi mới khai sinh, do có quá ít tình trạng hợp thể ở LMC.

Cho đến khi phát hiện những vật thể khổng lồ vào năm 2010, các quan sát trong phạm vi dải Ngân hà và các thiên hà khác chỉ giới hạn kích thước tối đa của ngôi sao ở mức gấp 150 lần mặt trời.

Sau khi thực hiện các tính toán, nhóm chuyên gia của Đại học Bonn khẳng định vũ trụ vẫn có khả năng sản sinh những ngôi sao khổng lồ như vậy, và biết đâu chừng sẽ có lúc con người tìm thấy các mặt trời vượt qua kích thước này.


Theo Thanh Niên


Phát hiện hành tinh "bắt cá hai tay"

Kính viễn vọng không gian Kepler của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện hai hành tinh xoay quanh hai ngôi sao.
 
Hình minh họa một hành tinh xoay quanh hai ngôi sao.
(Ảnh: NASA)
NASA thông báo đây là lần đầu tiên giới thiên văn phát hiện hệ hành tinh có hai ngôi sao. Chúng cách địa cầu chừng 4.900 năm ánh sáng và nằm trong chòm sao Cygnus. Sự tồn tại của nó chứng minh rằng các hành tinh có thể xoay quanh hệ sao đôi.
Hành tinh ở phía trong của hệ, có tên Kepler-47b, xoay quanh hai ngôi sao trong 50 ngày. Hành tinh này sở hữu một bầu khí quyển siêu nóng nên nó bị bao phủ bởi một lớp khí giống như sương. Với bán kính gấp ba lần địa cầu, nó là hành tinh nhỏ nhất xoay quanh ngôi sao mà con người từng phát hiện.

Kepler-47c, tên của hành tinh bên ngoài, xoay quanh hai ngôi sao trong 303 ngày. Khoảng cách của nó với hệ sao đủ lớn để nước tồn tại ở dạng lỏng. Tuy nhiên, nó lại là một hành tinh khí khổng lồ với kích thước lớn hơn một chút so với sao Hải Vương.

Theo VNE

11 hiện tượng tự nhiên đang hoành hành Trái đất

(KĐH) - Ở bất kể nơi nào trên khắp thế giới vẫn luôn diễn ra những hiện tượng thiên nhiên như: Động đất, sóng thần, lũ hụt, bão táp ...Những hiện tượng này đã cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng và của cải mà con người làm ra. Dưới đây là 11 hiện tượng thiên nhiên đang "hoành hành" cuộc sống của con người trên khắp thế giới.

Động đât: Hình ảnh của trận động đất Hyogo vào năm 1995 Ở Nhật Bản.

Sóng thần: Ảnh hố xoáy khổng lồ trên Thái Bình Dương xuất hiện sau trận động đất ở Nhật Bản hồi tháng 3 năm 2011.

Núi lửa: Trong ảnh, dung nham chảy từ Công viên núi lửa tại Hawaii, Mỹ đổ xuống Thái Bình Dương. Hơi nước bốc lên từ biển cùng với các dòng nham thạch nóng chảy tạo nên khung cảnh kỳ ảị.

Vòi rồng: Một vòi rồng lửa di chuyển gần ống khói của một tòa nhà cháy tại Mỹ trong năm 2010. Ảnh: National Geographic.

Lốc xoáy

Sét: Tia sét trên núi lửa ở Eyjafjallajokul, Iceland.

Bão cát

Lũ quét: Trong ảnh, mưa lũ đã làm ngập nhiều nhà dân ở Bảo Thắng (Lào Cai) - Ảnh: Thu Phương

Bão tuyết, trong ảnh: Một cơn bão tuyết đang hoành hành tại miền Trung nước Mỹ

Băng tan: Hình ảnh băng tan ở Bắc cực.

Hạn hán, trong ảnh: Hạn hán trên sông Mêkong
Nguồn: Báo GDVN

Hợp kim kết tinh nano có thể chịu nhiệt cao

Sử dụng một kết hợp gồm các thí nghiệm và mô phỏng nhiệt động lực học phân tích, các nhà nghiên cứu ở Mĩ vừa tạo ra một hợp kim kết tinh nano gốc tungsten mới bền ở nhiệt độ hơn 1000oC. Các hợp kim kết tinh nano hiếm khi chịu được những nhiệt độ cao như vậy và đột phá này có thể dẫn tới sự phát triển của những chất liệu vừa bền vừa chịu nhiệt cao.


Sau một tuần ở 1100oC, tungsten kết tinh nano (trái) mất đi cấu trúc hạt nano của nó và kết thành cỡ micron (ảnh trên bên phải). Bằng cách pha với titanium, tungsten có thể giữ được kích cỡ hạt kết tinh nano dưới những điều kiện tương đương (ảnh dưới bên phải). (Ảnh: T Chookajorn, H Murdoch và C Schuh)
Các kim loại gồm những hạt kết tinh nano – những tinh thể nhỏ xíu chừng hàng chục nano mét bề ngang – cứng hơn nhiều so với các kim loại chứa những cấu trúc lớn hơn cỡ micron. Thật không may, những chất liệu kết tinh nano này cũng kém bền hơn. Một vấn đề là những hạt nhỏ xíu đó có thể lớn lên và hợp nhất với nhau ở những nhiệt độ cao – do đó làm kim loại mềm đi. Đây không phải là hiện tượng đáng hoan nghênh, vì trong quá trình luyện kim loại người ta thường sử dụng nhiệt độ cao. Mặc dù các nhà nghiên cứu đã cố gắng nghĩ ra những phương pháp tránh sự tăng kích cỡ hạt không mong muốn như thế, nhưng chưa có giải pháp thỏa mãn nào được tìm thấy.
Nay một đội tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đứng đầu là Christopher Schuh có lẽ đã đi tới một giải pháp. Các nhà nghiên cứu đã thiết kế và chế tạo những hợp kim chứa những tinh thể nano không kết khối ở nhiệt độ cao. “Phương pháp thiết kế của chúng tôi dựa trên việc tính toán năng lượng của tất cả các nguyên tử/liên kết trong một hợp kim cho trước, bao gồm những nguyên tử trong môi trường tinh thể và những nguyên tử nằm tại ranh giới hạt, giữa các tinh thể,” Schuh giải thích. “Chúng tôi tính riêng những hiệu ứng mà những nguyên tố khác nhau trong hợp kim có trên năng lượng của cấu trúc, và tìm cách nhận ra những nguyên tố nào có thể làm ổn định các ranh giới hạt và vì thế dẫn tới và duy trì trạng thái kết tinh nano.”
Ngành công nghiệp đã và đang cố gắng chế tạo ra những hợp kim có những hạt kết tinh ngày một nhỏ hơn, nhưng tự nhiên vẫn nghiêng về những trạng thái năng lượng thấp, nghĩa là nghiêng về những tinh thể lớn hơn.
Từ những tính toán của họ, đội nghiên cứu MIT đã tổng hợp thành công các hợp kim được thiết kế sử dụng những kết hợp thích hợp của những kim loại khác nhau với những tỉ lệ được xác định trước. Các nhà nghiên cứu còn khảo sát những hỗn hợp kim loại thường không được tìm thấy chung với nhau và chưa từng được tạo ra trước đây, cho dù là trong phòng thí nghiệm. Ví dụ, trong nghiên cứu sơ bộ này về các hợp kim tungsten, họ đã xét những kết hợp của 12 nguyên tố khác nhau, bao gồm titanium, chromium, đồng, bạc và tám nguyên tố khác. “Các phương pháp thông thường thiết kế hợp kim thường không tính đến các ranh giới hạt mà tập trung vào chỗ các kim loại khác nhau tương thích như thế nào,” Schuh giải thích. “Tuy nhiên, các ranh giới hạt lại là cái then chốt trong việc tạo ra các tinh thể nano bền, nên chúng tôi quyết định xét đến những ranh giới này trong các tính toán của mình.”
Một hợp kim đặc biệt xây dựng trên tungsten và titanium do đội nghiên cứu tạo ra có các hạt titanium kích cỡ chỉ 20 nm. Họ nhận thấy nó vẫn bền trong một tuần ở nhiệt độ cao đến 1100oC và giữ vững độ cứng ngoại hạng của nó trong suốt thời gian này. Do đó, người ta có thể sử dụng nó trong những ứng dụng trong đó cần đến sự chịu nhiệt cao, ví dụ như trong ngành công nghiệp chế tạo máy hoặc xe bọc thép.
“Phương pháp luận mà chúng tôi phát triển trong nghiên cứu của mình có thể dễ dàng khai thác để tạo ra những chất liệu cấu trúc nano mới khác có chất lượng tương đương hoặc thậm chí cứng hơn và bền hơn, và còn có những tính chất đáng khao khát khác như chóng bào mòn,” Schuh nói. “Việc tìm ra những hợp kim như vậy sẽ gần như là không thể bởi những phương pháp thử-sai thông thường nhưng chúng tôi có thể tính được những kết hợp kim loại nào là hiệu quả và những kết hợp nào là không,” phát biểu của Heather Murdoch và Tongjai Chookajorn, hai thành viên khác của đội MIT.
Đội nghiên cứu hiện đang tích cực phân tích chi tiết xem làm thế nào có thể mở rộng phương pháp lí thuyết của họ cho nhiều hợp kim và cấu trúc khác.
Tham khảo: http://www.sciencemag.org/content/337/6097/951.abstract

Tìm thấy phân tử đường ở gần một ngôi sao trẻ

Một đội thiên văn ở Đan Mạch vừa phát hiện ra các phân tử đường trong chất khí bao xung quanh một ngôi sao trẻ giống Mặt trời. Tại sao việc tìm thấy đường trong chất khí bao xung quanh một ngôi sao lại quan trọng như vậy? Đó là vì nó cho chúng ta biết rằng những phân tử hữu cơ phức tạp, ví dụ như đường, tạo nên những viên gạch cấu trúc của sự sống có thể tìm thấy xung quanh những ngôi sao trẻ vào lúc khi các hành tinh có thể bắt đầu hình thành xung quanh chúng.
Đội khoa học đã tìm thấy các phân tử của một trong những dạng đơn giản nhất của hợp chất đường – glycolaldehyde – trong chất khí bao xung quanh một sao đôi trẻ tên gọi là IRAS 16293-2422, nó có khối lượng tương đương với Mặt trời của chúng ta. Trong khi hợp chất đường này trước đây đã được tìm thấy trong vũ trụ - trong thiên hà của chúng ta – nhưng đây là lần đầu tiên nó được tìm thấy trong vùng phụ cận gần của một ngôi sao; thật vậy, nó ở cách IRAS 16293-2422 ngang với Thiên Vương tinh và Mặt trời. Khám phá này cho thấy một số hợp chất hóa học cần thiết cho sự sống đã tồn tại trong hệ này tại thời điểm hình thành hành tinh. IRAS 16293-2422 ở cách chúng ta chỉ khoảng 400 năm ánh sáng - ở quy mô vũ trụ thì khoảng cách chẳng xa bao nhiêu, nên nó là một mục tiêu tuyệt vời cho các nhà thiên văn nghiên cứu các phân tử và cơ chế hóa học xung quanh những ngôi sao trẻ.
“Trong cái đĩa khí và bụi bao xung quanh ngôi sao mới ra đời này, chúng tôi tìm thấy glycolaldehyde, một dạng đường đơn giản, không khác nhiều so với đường mà chúng ta cho vào cà phê,” giải thích của Jes Jorgensen thuộc Viện Niels Bohr ở Đan Mạch, người lãnh đạo đội khoa học sử dụng Ma trận Lớn Millimet/Dưới Millimet Atacama (ALMA) để quan sát ngôi sao trên. “Phân tử này là một trong các thành phần trong sự hình thành ARN, tương tự như ADN, đây là một trong những viên gạch cấu trúc của sự sống.”
(Ảnh: ALMA (ESO/NAOJ/NRAO)/L Calçada (ESO) và NASA/JPL-Caltech/WISE Team)
Bức ảnh trên cho thấy vùng đang hình thành sao Rho Ophiuchi trong phổ hồng ngoại, chụp bởi Tàu thám hiểm Hồng ngoại Trường rộng (WISE) của NASA. IRAS 16293-2422 là vật thể màu đỏ ở chính giữa của khung hình vuông nhỏ. Ảnh nhỏ lồng ghép là hình minh họa các phân tử glycolaldehyde, cho thấy cấu trúc phân tử của glycolaldehyde (C2H4O2).
“Cái thật sự thú vị ở những kết quả tìm kiếm của chúng tôi là các quan sát ALMA cho thấy các phân tử đường đó đang rơi về phía một trong hai ngôi sao của hệ,” phát biểu của thành viên đội nghiên cứu, Cécile Favre thuộc trường Đại học Aarhus ở Đan Mạch. “Các phân tử đường đó không những ở chỗ thích hợp để tìm đường tiến đến một hành tinh, mà chúng còn đang tiến theo hướng thích hợp nữa.”
Jorgensen giải thích thêm rằng chất khí và bụi trong những đám mây bao xung quanh những ngôi sao mới ra đời thoạt đầu là cực kì lạnh (chỉ khoảng 10 độ trên không độ tuyệt đối – 273oC) và những chất khí đơn giản như carbon monoxide và methane kết tụ trên các hạt bụi và hóa rắn dưới dạng băng, và chỉ sau khi xảy ra như vậy thì những phân tử phức tạp hơn mới hình thành. Sau đó, ngôi sao mới ra đời làm nóng vùng lân cận của nó, làm bay hơi những phân tử phức tạp khỏi chất khí và bụi đó, và những phân tử này khi đó được phát hiện ra dưới dạng những phát xạ vô tuyến ở tần số thấp bởi những chiếc kính thiên văn như ALMA.
“Một câu hỏi lớn là những phân tử này có thể trở nên phức tạp như thế nào trước khi chúng hợp nhất vào những hành tinh mới? Thông tin này có thể cho chúng ta biết đôi điều về cách sự sống có thể phát sinh ở mọi nơi khác, và các quan sát ALMA đang diễn ra là cái thiết yếu để vén bức màn bí ẩn này,” Jorgensen kết luận.
123physicsNguồn: physicsworld.com

Thursday, August 23, 2012

[Phát minh] Bếp điện ứng từ

Thiết bị này sẽ giúp các bà nội trợ nấu nướng sạch sẽ, không khói, tránh gây cháy và nấu chín thức ăn rất nhanh so với loại bếp khác. Bếp có độ bền cao do sử dụng vật liệu tốt, hệ thống kiểm soát nhiệt độ khá chính xác, an toàn. Có thể lau chùi mặt bếp ngay khi nấu.
Xem thêm: Phát minh vĩ đại khác

Loại bếp này áp dụng hiện tượng cảm điện từ do Faraday khám phá ra năm 1830 nhưng đến 150 năm sau các chuyên viên nghiên cứu nhóm Thomsom mới có ý định dùng cách thức này. Năm 1976 các kỹ sư hãng Thomson đã có hàng nguyên mẫu loại này nhưng đồ điện tử lúc bấy giờ đắt nên phải đợi đến năm 1982 , nhóm Thomson ở Villingen (Ðức) đã trở lại nghiên cứu và năm 1988 Bonnet bán ra cho các đầu bếp chuyên môn rồi đến năm 1991 thì Sauter bán ra cho mọi người.
Ðặt một nồi nước trên lò điện ứng: nước sôi mau hơn. Ðể miếng giẻ dưới nồi: nước sôi mà giẻ không cháy...

Quấn sợi dây đồng quanh thỏi kim loại và nối hai đầu sợi dây đồng tới một bộ pin, ta được một nam châm điện. Ngược lại, một nam châm được bao bởi cuộn dây đồng, khi một trong hai vật này di chuyển, sẽ tạo năng lượng. Áp dụng nhiều và rõ ràng nhất hiện tượng này là máy phát điện, cho xe đạp hay trung tâm sản xuất điện. Ðương nhiên năng lượng sẽ tạo ra nhiệt.

Với dòng cảm ứng điện từ , ta không những muốn dùng độ nóng của nó phát ra mà còn muốn tăng độ nóng nữa. Hiện tượng tỏa nhiệt này do dòng Foucault. Dòng điện từ này có được trong những khối kim loại dẫn điện, dưới ảnh hưởng do sự thay đổi liên tục của từ trường, chúng sẽ tạo ra sự gia tăng nhiệt độ, đặc biệt với tần số cao.

Sự chế tạo bếp điện cảm ứng vận dụng cuộn dây, từ trường và dòng Foucault. Nguyên tắc dựa vào sự xếp đặt cuộn dây dưới một tấm vitroceramic. Khi cho điện vào sẽ tạo ngay tức thời từ trường. Chất vitroceramic không góp phần gì trong nguyên tắc này mà chỉ để giúp cho rửa dễ dàng.

Từ trường không tạo ra khi không có dòng điện đi qua nên nó chỉ sinh ra khi nồi được đặt trên bếp với điều kiện là nồi làm bằng vật liệu thích đáng: kim loại đặc và nhiễm từ. Khi ta đặt nồi trong vùng từ trường, dòng Foucault tự động tạo ra: Những âm điện tử hoạt động. Âm điện tử càng hoạt động mạnh thì năng lượng càng tăng và nhiệt lượng sẽ tác dụng lên nồi. Nhiệt lượng phát ra được kiểm soát bằng sự biến đổi từ trường, biên độ, tần số...

Dòng điện hai chiều ta thường dùng là 50 Hz . Ta có thể tăng tần số này bằng cách dùng một máy biến đồi. Thí dụ trường hợp này dòng điện có tần số 20.000 Hz. Tuy nhiên ta không thể tăng hơn giá trị này bởi đến một mức, sẽ tự tạo năng lượng chống lại do "tác dụng Skin"

Huỳnh Nhật Thanh - Vietsciences

Tuesday, August 14, 2012

Lý giải bí ẩn cầu vồng 'sinh đôi'


Hai cơn mưa rào xảy ra cùng một lúc. Khi đó, các hạt mưa sẽ có kích cỡ khác nhau và tạo ra các cầu vồng hơi biến dạng. Những cầu vồng này kết hợp sẽ làm thành cầu vồng sinh đôi.
Trích: FORUM

Cầu vồng kép xuất hiện phía trên làng Kingwear, hạt Devon, Anh. Ảnh: Mirror.

Cầu vồng là hiện tượng tán sắc của ánh sáng mặt trời khi tương tác với những hạt nước trong không khí. Khi ánh sáng vừa bị phản xạ, vừa bị khúc xạ qua hạt nước, nó sẽ tách thành các màu theo thứ tự: Đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím.

Thường thấy nhất là cầu vồng đơn trong khi đó cầu vồng đôi gồm 2 cầu vồng đồng tâm riêng biệt và cầu vồng bậc 3, bậc 4 thì ít phổ biến hơn. Tuy nhiên, hiếm gặp nhất là cầu vồng "sinh đôi" - cầu vồng chung gốc nhưng lại tách thành 2 cung vòng riêng biệt.

Cầu vồng được nghiên cứu từ 2.000 năm trước, nhưng hiện tượng quang học đặc biệt này vẫn chưa được khám phá một cách đầy đủ.

"Mọi người đều từng nhìn thấy cầu vồng, trong đó có cầu vồng sinh đôi. Tuy nhiên cho đến tận bây giờ, không ai biết tại sao nó xuất hiện", tiến sĩ Wojciech Jarosz, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Disney, Zurich, Thụy Sỹ nói.

Tiến sĩ Jarosz và cộng sự đã nghiên cứu các phiên bản cầu vồng ảo trên máy tính vốn được sử dụng trong hoạt hình, trò chơi điện tử và xem xét hình dạng hạt nước cũng như những tương tác phức tạp của chúng với ánh sáng.

"Những mô phỏng trước đây cho rằng hạt nước có hình cầu. Nhờ vậy người ta có thể lý giải được hiện tượng cầu vồng đơn và cầu vồng đôi nhưng không thể giải mã được bí ẩn về cầu vồng sinh đôi", Jarosz nói. Thực ra, khi rơi, hạt nước sẽ bị ép lại do lực cản của không khí và mang hình dáng của chiếc bánh hambuger.

Theo Jarosz, bí ẩn của cầu vồng "sinh đôi" nằm ở sự kết hợp của các giọt nước với kích cỡ khác nhau. "Đôi khi, hai cơn mưa rào xảy ra cùng một lúc", Jarosz giải thích, "Khi đó, các hạt mưa sẽ có kích cỡ khác nhau và tạo ra các cầu vồng hơi biến dạng. Những cầu vồng này kết hợp sẽ làm thành cầu vồng sinh đôi".

Nhóm nghiên cứu đã phát triển phần mềm đồ họa này để tái tạo và mô phỏng lại những hiện tượng cầu vồng sinh đôi. Lần đầu tiên, kết quả mô phỏng trùng khớp với hình ảnh thực tế ghi lại từ máy ảnh.

Các nhà khoa học đã khám phá ra bí ẩn về cầu vồng "sinh đôi" rất tình cờ. Ban đầu, mục đích của họ là mô phỏng cầu vồng cho phim hoạt hình một cách tốt hơn họ nghĩ rằng hiện tượng này đã được hiểu một cách khá cặn kẽ từ trước.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi lại phát hiện ra rằng khoa học và các phương pháp mô phỏng hiện nay vẫn chưa thể giải thích được một số hiện tượng. Bí ẩn đó đã kéo chúng tôi vào cuộc", Jarosz cho biết.

Giờ đây, giới nghiên cứu hy vọng rằng, phương pháp mô phỏng của họ có thể được sử dụng rộng rãi hơn, không chỉ cho lĩnh vực đồ họa máy tính. Phát hiện trên nhen nhóm hy vọng một ngày nào đó, mô phỏng chính xác về các hiện tượng trong các lĩnh vực như khí tượng học có thể giải mã được những bí ẩn kỳ thú của tự nhiên.

VNE