Showing posts with label Giáo dục. Show all posts
Showing posts with label Giáo dục. Show all posts

Thursday, November 8, 2012

Cuộc thi viết “Tri ân thầy cô ” nhân ngày 20-11


Cuộc thi viết “Tri ân thầy cô ” nhân ngày 20-11




Cuộc thi viết “Lời Chúc Tri ân thầy cô ” nhân ngày 20-11 do kenhdaihoc.com tổ chức nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Đây là cơ hội để các bạn cùng chia sẻ, gửi gắm những tình cảm yêu thương đến thầy cô - những người đã, luôn và sẽ mãi mãi là một phần trong mỗi chúng ta. Nhân ngày nhà giáo Việt Nam, chúng ta hãy cùng chia sẻ những tình cảm của mình hoặc cùng nhớ lại những kỷ niệm học đường nơi những người thầy, người cô đã dìu dắt. Những thông điệp tri ân của bạn sẽ được gửi đến các thầy cô như một món quà ý nghĩa nhân dịp 20/11 năm nay.

+ Đối tượng dự thi: Tất cả các bạn học sinh, sinh viên là thành viên kenhdaihoc.com có sử dụng Facebook.
+ Thời gian nộp bài dự thi: từ 8/11 đến hết ngày 20/11
+ Hình thức :


- Nội dung viết: Đó có thể là những lời chúc, bài viết về hình ảnh các thầy cô giáo có công ơn dạy dỗ mình; Những ký ức, kỷ niệm về thầy cô; Những câu chuyện hay để lại ấn tượng khó phải liên quan đến người thầy.

-Bài viết không giới hạn về ký tự. Mỗi học sinh có thể viết nhiều bài dự thi.


- Các thí sinh dự thi gửi thông tin cá nhân kèm bài viết, lời chúc dành cho thầy cô post tại topic Mừng ngày 20-11 

Tiêu đề: Họ tên_Tri ân Thầy cô
Họ và tên:
Ngày sinh:
Trường học:
Số điện thoại:
Địa chỉ Facebook:
Địa chỉ mail thông báo trúng giải :

Nội dung lời chúc:

Trong vòng 12h, Ban tổ chức sẽ up lời chúc của bạn lên trang Facebook của diễn đàn. và sẻ được đánh giá theo số like hoặc comment (Các bạn có thể Share link để huy động số vote cho mình)

+Yêu cầu: Lời chúc được viết bằng tiếng Việt có dấu, đúng chính tả và cấu trúc ngữ pháp.

+Tiêu chí đat giải:
• Lời chúc có tổng lượt like và comment nhiều nhất (từ 30 like và Comment trở lên)
• Lời chúc ý nghĩa nhất (do BTC bình chọn)
• Kết quả tổng hợp lượt like và comment sẽ được BTC công bố vào ngày 23/11/2012

+Giải thưởng (3 giải): 
- Giải nhất: Được Nâng cấp lên thành viên VIP, được truy cập vào box VIP MEM + 1Thẻ VIP học tiếng anh tại tienganh123.com (tương đương 250k có thể quy ra tiền  ) và nhiều phần quà tinh thần từ thành viên khác 
- Giải nhì:
 Được Nâng cấp lên thành viên VIP , được truy cập vào box VIP MEM và nhiều phần quà tinh thần từ thành viên khác
- Giải ba: Được Nâng cấp lên VIP mem và nhiều phần quà tinh thần từ thành viên khác

Mọi chi tiết về cuộc thi xin gửi về mail: admin@kenhdaihoc.com
 

Monday, September 24, 2012

Rút ngắn bậc phổ thông sẽ tiết kiệm 10.000 tỷ đồng

"Cần phải đổi mới quan niệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là công cụ, các em ra đời có thể học tiếp. Tiểu học không cần nhiều môn, phổ thông rút ngắn còn 11 lớp", nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ trả lời VnExpress.

- Từng nhiều năm làm Thứ trưởng Bộ Giáo dục, ông nhận xét gì về dự thảo Đề án đổi mới giáo dục sắp trình Hội nghị trung ương 6?
- Tôi mới nhận được dự thảo Đề án đổi mới giáo dục của Bộ GD&ĐT cách đây vài ngày. Tôi đọc xong và bất ngờ bởi toàn bộ nội dung đề án chưa có gì đổi mới cả, vẫn là những cái cũ được nhắc lại như chuyển giáo dục sang mô hình mở, xây dựng mô hình học tập suốt đời, đào tạo liên thông…Những điều này đã nói từ lâu rồi, không còn mới mẻ gì nữa. Cái quan trọng là học tập suốt đời làm như thế nào thì lại không được nói đến.
Thực trạng của nền giáo dục đã có nhiều chuyên gia phân tích. Đó là sự nặng nề, cồng kềnh, không đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, không hội nhập được. Nhiệm vụ của đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục một cách tổng quát phải đổi mới theo hướng xây dựng cả nước thành xã hội học tập theo tinh thần nghị quyết trung ương 9.

Trước đây chưa có xã hội học tập nên phải dồn ép học sinh học mọi thứ, coi đó là nồi cơm, để các em ra đời kiếm sống. Giờ xã hội học tập, việc dồn ép là không cần thiết bởi kiến thức là vô cùng rộng lớn, không thể trong một khoảng thời gian nhất định mà học hết được.


Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho rằng muốn đổi mới căn bản, tòan diện nền giáo dục, trước hết những người lãnh đạo ngành phải thay đổi tư duy. Ảnh: Hoàng Thùy.


- Vậy theo ông, nhiệm vụ đầu tiên của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là gì?

- Muốn đổi mới giáo dục thì trước hết phải đổi mới tư duy những người làm công tác quản lý hệ thống giáo dục. Đó là đổi mới quan niệm, coi giáo dục phổ thông chỉ là công cụ, để học sinh ra đời có thể học tiếp. Thực tế cho thấy, sinh viên học ở đâu ra cũng phải lăn lộn, học tiếp mới có thể làm được việc.


Tiểu học không cần học nhiều môn mà phải tích hợp. Có thể một bài văn mà qua đó học sử. Ví như sự kiện Hai Bà Trưng, khi làm văn thì ra đề về hai bà nổi dậy đánh giặc Hán thì vừa học văn vừa học sử.

Hay đất nước ta có bài Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, vừa học văn vừa học địa. Đó là tích hợp kiến thức, tích hợp môn, để học sinh không cần học nhiều môn như hiện nay và cảm thấy học nhẹ nhàng.


Xưa chương trình phổ thông tăng từ 9 năm, đến 10 năm, 12 năm… Quan điểm của tôi điều này không đúng. Giáo dục phải rút ngắn thời gian đào tạo để người ta nhanh chóng ra đời phục vụ. Khi cấp 3 rút một năm, một triệu học sinh bớt được một năm học là đã tiết kiệm cho xã hội 1 triệu năm. Mỗi em một năm ăn tiêu hết 10 triệu đồng, khi rút một năm sẽ tiết kiệm cho xã hội một số tiền không nhỏ trong lúc đất nước còn khó khăn.


Hơn nữa, khi giáo dục phổ thông còn 11 năm sẽ giải quyết được một số vấn đề như quá tải, tạo điều kiện cho học sinh học 2 buổi một ngày. Số lượng giáo viên và cơ sở vật chất vốn dành cho học sinh của ba năm cấp 3, nay chỉ còn 2 năm sẽ cho kết quả tốt hơn.


Cấp 3 cũng nên phân loại thành ba trường, đào tạo học sinh giỏi vào đại học, đào tạo nghề tương đối phức tạp và đào tạo nghề đơn giản. Học sinh ở mỗi nơi hoàn toàn có cơ chế chuyển hóa linh hoạt, và việc đánh giá được thực hiện trong cả quá trình.


Hiện cao đẳng chúng ta cũng có đủ loại, từ cao đẳng nghề (do Bộ Lao động quản lý), cao đẳng chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục quản lý. Điều bất hợp lý là sao Bộ Lao động sử dụng lao động lại cũng giành đào tạo? Tại sao không dùng một hệ thống cao đẳng thôi?


Hệ đại học cũng không nhất thiết phải 4 năm, kiến thức nào không cần thì bỏ, và học tín chỉ cho phép năm kết thúc. Như vậy, nếu làm tốt thì đại học chỉ cần 3 năm, phổ thông rút một năm, học sinh có thể ra đời năm 20 tuổi. Với tư duy bây giờ, giới trẻ thông minh hơn ngày xưa nhiều lắm, chúng hoàn toàn có thể ra đời sớm, tiết kiệm cho xã hội 2 năm.


- Các bước tiếp theo của quá trình đổi mới giáo dục sẽ là gì thưa ông?


- Có đổi mới căn bản hệ thống như trên thì mới có thể đổi mới các lĩnh vực khác. Cụ thể, trong hệ thống đó, phải sắp xếp lại hết tất cả mọi thứ. Không nên quan niệm tất cả học sinh đều phải đại học hết. Mâm cơm cũng phải có cá, thịt, rau, trong xã hội không phải cứ đại học hết mới làm cho xã hội phát triển.


Sau khi đổi mới hệ thống, ngành giáo dục không thể dùng bài ca cũ để áp vào dạy nữa mà phải thay đổi chương trình, nội dung, phương pháp. Ngành giáo dục phải xác định trang bị cho học sinh những công cụ cơ bản nhất là ngoại ngữ, công nghệ thông tin.


Tiếng Anh trong nền giáo dục nước ta như leo cột mỡ. Trong khi kinh nghiệm cho thấy ở hội nghị quốc tế, trong chính trường không đạt được thỏa hiệp nhiều, nhưng nếu biêt tiếng, nói chuyện ngoài hành lang sẽ đạt được nhiều hơn. Mình không biết tiếng Anh mình sẽ thua tất cả các nước.


Ông Lý Quang Diệu (Thủ tướng đầu tiên của Singapore) đã giải thích nguyên nhân nước ông giàu là vì: "Điều đầu tiên tôi dạy ngoại ngữ cho người dân, họ đi khắp thế giới lấy tiền về cho đất nước tôi. Nước tôi nói tiếng Anh nên toàn thế giới đến giao dịch với tôi, tôi móc túi họ đem về cho nước tôi”. Câu nói đó tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất thâm thúy và là bài học sâu sắc.


Chúng ta không nên bảo thủ phải dạy tiếng Anh cho trẻ từ lớp 3 bởi trí óc của trẻ phát triển, tiếp thu rất sớm. Độ tuổi vàng để tiếp thu kiến thức là từ 0 đến 6 tuổi, đặc biệt là 0 đến 3, vậy tại sao phải áp đặt dạy ở lớp 3?


Về phương pháp, ở Singapore, một lớp cao đẳng 24 em. Sáng đến thầy hướng dẫn học bài gì, lên mạng lấy tài liệu ra sao, rồi chia nhóm làm đề tài chiều báo cáo. 6 nhóm chia nhau công việc để hoàn thiện bài tập, em này thuyết trình thì em kia bổ sung, như vậy là thuộc hết. Ở mình thì lên lớp là thầy nói, học sinh không nghe, cuối kì mới kiểm tra thì các em chỉ học vẹt, đối phó. Giờ phải học cách dạy tiên tiến ở các nước, đánh giá thường xuyên để các em học một cách hứng thú.


Chương trình, nội dung, phương pháp đã thay đổi thì đánh giá cũng phải thay đổi. Đánh giá hiện nay mang tính thời điểm. Học bao nhiêu năm cũng chỉ có thi học kỳ, tốt nghiệp, đại học, độ may rủi rất lớn.

Nếu đánh giá thường xuyên thì học sinh sẽ học thường xuyên và đánh giá cả thời kì thì thật chất, thúc đẩy người học hơn.


- Nhà xuất bản Giáo dục mới đây vừa nhập khẩu sách giáo khoa Toán của Pháp, ông bình luận gì về việc này?


- Có nhiều người cho rằng hiện nay giáo dục đang quá tải và học 12 năm mới đủ. Tôi không đồng tình với ý kiến này, vì nếu nói như vậy thì 20 năm cũng không đủ. Từ đổi mới hệ thống giáo dục, nội dung các môn học cũng phải thay đổi, cái gì cần thì dạy, không thì bỏ, thế nên sách giáo khoa cũng cần viết lại cho phù hợp hơn.

Ý kiến độc giả VnExpress.
Tôi có đứa cháu học lớp 3, nhưng có tới 17 quyển sách toán. Tôi xem qua và rất buồn khi đa số đều xào xáo bát nháo. Tôi cho rằng phải đổi mới chuyện này, viết sách cụ thể, tâm huyết hơn. Có thể nhập khẩu sách từ nước ngoài về, xem nội dung nào phù hợp thì dịch ra, có những cái có thể áp dụng nguyên xi, tuy nhiên cũng có nội dung cần chọn lọc và bổ sung kiến thức cho phù hợp.

Nguồn: VnExpress

Friday, September 7, 2012

Nữ sinh hái dừa thuê đậu một lúc hai trường

Là con út trong gia đình 10 anh em, có nhiều người mang trọng bệnh, từ nhỏ, Lan Phương phải leo dừa thuê kiếm tiền ăn học, nay đậu hai trường đại học, một trường cao đẳng.


Gia đình nhiều trọng bệnh
Cha của Phương bị bệnh “viêm nang lông”, không làm được việc gì, mỗi tuần phải tốn tiền thuốc mấy trăm nghìn đồng.

Mẹ của bạn bị thoái hóa khớp, đau nhức kinh niên, không có thuốc là không chịu được. Hai anh trai, một người sụp xương hàm trên chưa có tiền ghép lại, một người bị viêm gan siêu vi, mỗi tháng tiền thuốc tốn hàng triệu đồng.


Gia đình thiếu thốn trong từng bữa ăn, để dành tiền lo thuốc men trị bệnh. Cuộc sống từ nhỏ của Phương đã muôn vàn khó khăn.

Hằng ngày, ngoài giờ đến trường, Phương đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy.


Cuối năm, Lan Phương thường đội dưa hấu, một tấn được 100.000 đồng. Cách đây 5 năm, Lan Phương chọn được nghề bẻ dừa thuê.


Nhà cách trường 15 km, Phương phải ở trọ và toàn bộ tiền trọ học hàng tháng, tiền ăn, tiền sách vở, từ lớp 8 đến lớp 12, là tiền của nghề này.


Ngày thường đã làm, nhưng đặc biệt chiều thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ cũng như nghỉ hè, Phương thường phải leo dừa cật lực.


Leo bẻ dừa, cứ 10 trái được trả 10.000 – 20.000 đồng, tùy khi giá dừa thấp hay cao. Mỗi ngày, Phương bẻ được 50–100 trái.



Nữ sinh hái dừa thuê đậu 2 trường một đại học, cao đẳng

Không chỉ bẻ trái, còn làm vệ sinh cây dừa, tức là chặt bỏ hết những bẹ khô, buồng hỏng và dọn sạch xơ dừa cho cây thêm trĩu quả.
Phương cho biết, giữ an toàn khi leo đã khó nhưng lúc đem từng buồng dừa xuống còn khó hơn, sơ sẩy buồng dừa nặng kéo theo người ngã như chơi.
“Nhưng sợ nhất là ong đốt”, Lan Phương kể. “Ong hay làm tổ trên cây dừa, thường leo lên tới nơi mới biết. Năm lớp 11, sau khi bẻ dừa, em bị ong đốt mặt mày sưng húp, đi học không dám nhìn bạn bè. Thầy hiệu phó phát hiện được, gọi lên hỏi và động viên”.

“Nhiều lúc nhìn quầy dừa ở trên cao mười mấy mét là em rùng mình, ngán lắm nhưng cơm áo và tiền trọ học thúc bách không thể dừng”, Lan Phương tâm sự.


Tiền kiếm được, bạn tiêu pha dè sẻn, cố để dành mua thuốc cho cha mẹ. Cha mẹ Phương kể, mỗi lần cầm vỉ thuốc bằng mồ hôi nước mắt của con gái là lại khóc.


Cũng nhiều lần từ nơi trọ học về nhà, không có tiền mua thuốc, Lan Phương chỉ biết xoa dầu cho mẹ, nằm bên bóp chân mẹ cho máu chạy đều, bớt đau nhức.


Từ lớp 1 đến lớp 12, Lan Phương đều là học sinh giỏi. Năm học lớp 12 ở trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình, Vĩnh Long), Lan Phương dự thi môn sinh, giải toán trên máy tính Casio đoạt giải 3, và được đi thi cấp quốc gia.


Thấm thoát năm học lớp 12 trôi qua, thi tốt nghiệp Phương được 52 điểm, trong niềm vui của cô thầy cũng như bạn bè.


Phương xin cha mẹ lên TP HCM thi đại học với mấy đồng tiền vay mượn, cha mẹ động viên con đi mà nước mắt lưng tròng, thương con thân gái xa nhà.


Trong thời gian chờ kết quả thi, Phương đi xin việc làm thêm để trả nợ. Phương đã đậu hai trường đại học là ĐH Khoa học Tự nhiên với 16,5 điểm, ĐH Nông Lâm với 21 điểm; ngoài ra còn đậu trường Cao đẳng Công Thương TP.HCM với 23 điểm.


Lan Phương chọn ngành Khoa học môi trường của trường ĐH Tự nhiên TP.HCM. Con đường trước mắt đầy gập ghềnh, trắc trở với cô học trò nghèo hiếu học này.

Theo Tiền Phong

Thursday, September 6, 2012

Cậu học trò 'ô sin' đỗ đại học Kiến trúc TP

Bà con ở thị trấn Phù Mỹ (huyện Phù Mỹ, Bình Định) rất vui khi biết Lại Thành Nhân đỗ đại học Kiến trúc TP HCM.

Người mẹ 4 năm nuôi giấc mơ đại học cho con trai cụt tay
Còng lưng 'gánh' con vào đại học 

Gia đình nghèo, đông anh em, mẹ lại mất sớm nên Nhân phải vất vả tự lập. Hàng xóm của Nhân kể: Từ bé, Nhân lang thang khắp thôn để xin việc làm. Hồi học tiểu học, bạn thường ra chợ nhặt rau, nhặt đậu thuê. Sang THCS, bạn thường được mọi người thuê xách nước, hốt trấu, chở trấu.


Ngoài giờ học, Nhân thường đi chở hàng thuê. Ảnh: Dân Việt.

Ông Lại Hòa An - bố Nhân, cho biết: “Vì quá túng quẫn nên nhiều lần bác khuyên Nhân nghỉ học. Những lúc như vậy, nó lại năn nỉ, xin đi làm thuê để lấy tiền học. Thấy như vậy, bác vừa thương con lại vừa tủi phận vì không làm tròn trách nhiệm người cha”.

Vào THPT, hàng ngày, ngoài giờ học ở trường, Nhân phải đi rửa chén bát thuê, đi chở hàng thuê. Tuy vậy cũng không đủ tiền ăn học. Cô Nguyễn Thị Nhật Lệ (ngụ thị trấn Phù Mỹ) thấy vậy nên thương nhận bạn ấy vào làm người giúp việc trong nhà. “Bạn bè hay trêu chọc mình đi làm “osin” cho cô Lệ. Nhưng minh vẫn vui vì mình biết đây là chỗ làm tốt để mình có thể tiếp tục theo học” - Nhân hồ hởi chia sẻ.

Dù khó khăn như vậy, nhưng Nhân vẫn học giỏi suốt 12 năm học. Ở lớp 5, bạn ấy đoạt giải Nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn toán. Lớp 8, lớp 9, Nhân đoạt giải Khuyến khích môn toán trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Nhân thổ lộ: "Mình rất vui khi đỗ đại học. Sau khi nhập học, mình sẽ tìm việc làm thêm để có thêm chi phí học hành".
Theo Dân Việt

Còng lưng 'gánh' con vào đại học

Dưới sân trường Đại học Luật (Hà Nội), bà Nhàn vác tải gạo chừng 30 kg trên vai, lê cái chân khập khễnh ra ghế đá. Cậu con trai cũng vừa nhập học xong. Bà giục con cầm theo đồ đạc, nhanh đi tìm một chỗ trọ.
Từ vùng rừng núi ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, bà Nhàn phải bắt chuyến xe lúc nửa đêm ra Hà Nội cho con trai kịp giờ nhập học. Bà tính đợi con làm thủ tục xong sẽ đi tìm nhà trọ. Nếu tìm được, bà sẽ sắm sửa đồ đạc giúp con để ngày mai về quê luôn.



Với nhiều gia đình ở nông thôn, cho con học đại học đồng nghĩa với gánh nặng lao động nhiều hơn, nợ nần nhiều hơn. Ảnh: Phan Dương.

Bà nói nhà mình ở một vùng rừng núi của Thanh Hóa giáp với Nghệ An, cuộc sống thuần nông khá vất vả nên từ lúc biết con đậu đại học, bà vui một mà lo gấp mười. Chưa đến 50 tuổi, quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng khiến khuôn mặt bà Nhàn đầy vết chân chim, nước da cháy nắng. Thêm cái chân khập khễnh trong một lần bị tai nạn ở xưởng khai thác đá, dáng bà thất thểu hơn.
Lần đưa con đi thi đại học, bà phải bán 500 kg thóc. Lần này, bà lại bán nốt 500 kg còn lại và vay mượn thêm cho đủ 4 triệu đồng mang đi vừa để đóng học, vừa cho con tiêu tháng đầu.
"Tôi cho con thêm gần 30 kg gạo nữa, ở nhà chỉ còn một bì thóc để ăn. May là đôi lợn sắp bán được, khi đó sẽ có tiền đong gạo và cho con", bà Nhàn lạc quan nói.
Người mẹ này tính chi li từng khoản, mỗi tháng sẽ cho con trai 1,5 triệu đồng vừa tiền nhà cửa, ăn tiêu. Phần gạo ăn bà sẽ gửi từ quê ra. "Nhà tôi đâu giống người ta có tiền sẵn cho con đi học. Tất cả chỉ dựa vào cây lúa, cây khoai, con lợn, con gà thôi. Giờ con đi học, mỗi tháng vợ chồng tôi phải cố làm ra hơn một triệu cho nó", bà nói.
Không chỉ lo về tiền bạc, bà lại lo cho đứa con chưa bao giờ đi ra khỏi nhà. "Từ nhỏ thằng con tôi vốn yếu đuối chỉ biết học hành. Trung tâm thành phố nó còn chưa bao giờ đến huống gì ra thủ đô, tôi sợ nó sẽ bị bắt nạt, bị lừa", bà Nhàn nói.
Bà cũng lo môi trường mới dễ làm con mình sa ngã: "Con tôi ngờ nghệch lắm, nhỡ nó bị chúng bạn lôi kéo chơi lô đề, cờ bạc, bỏ bê học hành thì gia đình tôi lấy tiền nào để trả".
Cuối buổi sáng, hai mẹ con đã tìm được phòng trọ. Bà Nhàn để con ở ghép với hai cậu thanh niên khóa trên trong một nhà trọ gần trường, mỗi tháng sẽ mất khoảng 600.000 đồng tiền nhà, điện nước.
Mình bà Sơn tự cày bừa, cấy hái 2 mẫu ruộng vì không biết còn cách nào khác có tiền cho con đi học. Ảnh: Phan Dương.

Rồi bà đăm chiêu: "Đóng xong tiền nhà thì còn 900.000 đồng nữa, nếu chịu khó nấu ăn ở nhà chắc vẫn đủ tiêu đến hết tháng".
Cũng như vậy, bà Nguyễn Thị Sơn (56 tuổi, Nho Quan, Ninh Bình) đưa con đi nhập học ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn với nỗi lo tiền bạc. Trong khi đợi con, bà Sơn ngồi trông vài cái túi lỉnh kỉnh và một thùng tôn quần áo y như chuẩn bị đưa con về nhà chồng.
Mái tóc bà hoa râm, từng sợi khô cong khắc khổ, gương mặt nhăn nheo. Nhất là khi trầm tư suy nghĩ, trán bà nhăn lại. Bà mặc chiếc áo nhuốm màu đất, vết mốc li ti làm đen cả mảng áo sau lưng. Với bà, đó là chiếc áo đẹp nhất trong ngày đưa con vào giảng đường đại học.
Năm nay Diệu Thu - con gái bà Sơn đậu ngành Sư phạm ngữ văn. Theo người mẹ, cô bé không thích lắm. Vì nhà nghèo nên Thu bắt buộc phải học sư phạm để đỡ tiền học phí.
Diệu Thu thuộc diện được ở ký túc xá nên cũng đỡ được một khoản cho mẹ. Bà Sơn tính sẽ gửi gạo cho con, một tháng cho thêm vài trăm nữa mua thức ăn.
"Trước hôm đi nhập học, con Thu bảo tôi làm cho bình ruốc và bình muối lạc để ăn dần. Sáng nay, nó lôi hai bình đó ra, cười sung sướng rồi nói 'có hai bình này rồi con chỉ cần cắm cơm mẹ gửi là sẽ không lo đói nữa", người mẹ già sụt sùi.Rồi bà Sơn kể về cái căn nhà xây bằng đá ong đã hơn 30 năm. Vào trời mưa, trong nhà cũng ướt đẫm như ngoài sân. "Tôi không thích gì hộ nghèo nhưng bao năm nay gia đình vẫn không thoát khỏi cái diện ấy", bà thở dài.
Mà thoát khỏi hộ nghèo sao được khi một nhà 7 miệng ăn chỉ mình bà là nhân lực chính, còn ông chồng bị thần kinh tọa và vôi hóa xương cột sống không làm được gì. Bà Sơn tự tay cày bừa, cấy hái gần 2 mẫu ruộng nuôi cả gia đình.
Gần 60 tuổi, đáng lý phải được nghỉ ngơi nhưng bà Sơn vẫn còn nhiều gánh nặng: "May là hai con gái đầu đã lấy chồng rồi. Giờ tôi chỉ còn phải lo cho 3 con nữa. Một đứa đang học cao đẳng, đứa năm nay vào đại học và con út đang học lớp 10", bà kể.
Vì có sổ hộ nghèo nên các con của bà không đóng học phí là bao. Điều khiến bà Sơn lo lắng là tiền ăn, uống, sinh hoạt của chúng. Lần này để có tiền cho 2 con lớn ra trường, bà phải bán đi một con lợn mẹ.
Vài ngày nữa mới nhập trường nhưng sáng nay ông Mạnh (45 tuổi, Bá Thước, Thanh Hóa) đã đưa con ra Hà Nội. Ông muốn tranh thủ thời gian tìm nhà trọ, dẫn con đi chơi. Cũng như con đây là lần đầu tiên ông được thăm thú Hà Nội.
Năm nay, con gái ông đỗ ngành báo chí, Học Viện Báo chí và Tuyên truyền. Ông sung sướng, hãnh diện vô cùng vì con mình là người đầu tiên ở cái thung lũng nơi ông đang sống đậu đại học.
Ông người thấp bé, lớp râu che kín cả khuôn mặt. Ông rít một hơi thuốc lào rồi kể lại hành trình đi học đầy khó khăn của con: "Cấp 1 cháu học ở trường nhà nhưng lên cấp 2, cháu phải đi bộ gần 10 km đường rừng đi học. Vì đường đèo dốc nên lúc đi vẫn có thể đạp xe còn lúc về chỉ dắt bộ. Vào hôm trời mưa, đất đỏ lầy lội bám hết bánh xe, đẩy được chiếc xe đạp về nhà cũng tối mịt".
Cũng vì thế mà hầu hết trẻ em trong vùng bỏ học. Đến tuổi 17, 18 đã bắt đầu lập gia đình, 20 tuổi đã con bồng, con bế. Người con trai thứ của ông Mạnh cũng bỏ học do không chịu được khổ.
Trái lại, con gái đầu lại chăm chỉ, học giỏi. Ông Mạnh động viên, dành thời gian cho con học. Ông còn tranh thủ đi làm về sớm để đón con được quãng đường nào hay đoạn đường đó. Lên cấp 3, ông cho con ở trọ, một tuần mới về nhà một lần.
“Mỗi tháng tôi cho nó 50.000 đồng nhưng nó chỉ ăn tiêu hết 30.000 đồng. Nó bảo chỉ ăn con cá khô, chút nước mắm, nắm rau rừng qua bữa. Nghe con kể mà tôi thương, tính nó đã thế nói không được”, người cha kể.
Khi con gái làm hồ sơ thi đại học, ông cũng chỉ mong con đậu vào một trường trong tỉnh nhưng cô bé lại lựa chọn ngành báo chí. "Không hiểu sao, tôi có niềm tin con sẽ đậu. Lúc biết tin con đậu thật, lần đầu tiên tôi thấy hạnh phúc thế. Từ giờ, cậu út thích học thế nào tôi cũng không quản nữa vì đã có chị đậu đại học rồi", ánh mặt ông rạng ngời.
Theo VnExpress

Việt Nam là gì? - Clip đang gây sụt sùi cư dân mạng

Một du học sinh Việt đã dựng đoạn phim ngắn khá xúc động giới thiệu Việt Nam đến bạn bè tại Nhật.

Đoạn video ngắn có tên Việt Nam là gì? xuất hiện trên mạng xã hội Youtube từ 6 ngày trước và nhanh chóng nhận được đông đảo sự ủng hộ của cộng đồng mạng với lượt view xấp xỉ 60.000. Những thước phim được cắt ghép từ rất nhiều các đoạn video khác nhưng phân chia thành 4 phần rõ rệt. 


Mở đầu phim, tác giả sử dụng những đoạn clip khắc họa hình ảnh quen thuộc của Việt Nam trước thời kỳ đổi mới với cánh đồng lúa, đầm sen, và thiếu nữ Việt thướt tha trong tà áo dài nữ tính. Tiếp theo là bối cảnh chiến tranh chống đế quốc, những cố gắng hy sinh của lớp người đi trước để giành độc lập chủ quyền lãnh thổ. Đoạn thứ 3 được tác giả sử dụng để mô tả lại thời kỳ giải phóng dân tộc đầy huy hoàng, với chiến thắng Điện Biên Phủ, cả đất nước ngập tràn màu cờ đỏ sao vàng. Cuối cùng là đoạn phim Việt Nam thời hòa bình với lớp thanh niên trẻ hiện đại, năng động và tràn trề sức sống.




Việt Nam xưa nền nã trong tà áo dài trắng của thiếu nữ.


Với việc lựa chọn kỹ càng những thước phim đặc sắc, người dựng clip đã rất thành công khi đem lại một hình ảnh Việt Nam không chỉ hào hùng trong thời chiến mà còn đầy năng lượng ở thời bình. Nỗi đau chiến tranh mà tác giả lồng ghép vào clip cũng là một yếu tố khiến video này gây ấn tượng mạnh với khán giả. Hình ảnh người người bị giặc tra tấn, trẻ em khóc ròng vì mất cha mất mẹ trong mưa bom bão đạn đã khiến vô số teen không cầm nổi nước mắt khi xem clip.


Bạn có nickname Ethan Lee chia sẻ: “Xem youtube mình rất ít khi like và ngại comment nhưng xem clip này mình không thể không like. Cảm ơn bạn rất nhiều, nhờ bạn mà mình như được đi ngược lại lịch sử, tìm lại lòng tự tôn dân tộc. Yêu lắm đất nước tôi ơi!”


Bạn Minh thì không giấu nổi xúc động bày tỏ: “Thực sự khi xem đến phần chiến tranh, mình đã khóc. Quá đau thương. Quá tàn nhẫn. Bởi vậy mới thấy khó khăn trong cuộc sống hằng ngày hiện tại không là gì cả. Thứ đáng giá nhất là tự do, và chúng ta đã được hưởng rồi. Một đất nước chìm trong khói lửa, những con người ngày ấy có bao giờ dám nghĩ đến sẽ có một Việt Nam như hôm nay".



"Nước Việt Nam từ máu lửa. Rũ bùn đứng dậy sáng lòa". ( Đất Nước - Nguyễn Đình Thi).


Bên cạnh đó cũng có khá nhiều ý kiến đóng góp với tác giả về việc sắp xếp các đoạn video. Bạn có nickname Mr.Parace chia sẻ: “Một clip rất tuyệt vời, và mình thực sự cảm ơn vì điều ấy. Tuy vậy, mình thấy bạn chon lọc tư liệu chưa hoàn hảo, bạn chỉ làm xuất hiện lên những hình ảnh bạn mong muốn đại diện cho một bối cảnh khổng lồ suốt chiều dài lịch sử đất nước. Mà vô tình bạn làm xáo trộn dòng thời gian khiến mình đôi khi thấy khó hiểu. Dù gì đây cũng là một clip rất tuyệt vời ... Like và cảm ơn bạn".


Chủ nhân của clip đang "gây bão" này tên Lê Hồng Minh, một sinh viên mới sang Nhật du học. Hiên bạn ấy cũng là chủ nhân của một trang Facebook mang tên Vietnam UP với mục đích tốt đẹp là giúp các bạn trẻ có thêm niềm tin vào bản thân, niềm tin vào Tổ quốc Việt Nam. Bên cạnh đó những thành viên trong hội này cũng cùng nhau củng cố năng lực ngoại ngữ của bản thân, tạo tiền đề cho việc giới thiệu hình tượng của một Việt Nam trẻ khỏe, đến bạn bè năm châu.


Clip giản dị nhưng khắc họa sâu sắc vẻ đẹp của đất nước Việt Nam, các teen được dịp tự hào vô cùng nhé!


Hồng Minh chia sẻ: "Tư liệu thì mình làm cho phù hợp với dòng chảy của video nên tìm kiếm tất cả những gì có thể trên Youtube. Mục đích ban đầu chỉ là phục vụ cho một buổi giao lưu tại Nhật Bản, đối với một người nước ngoài chưa hiểu gì về Việt Nam thì mình nên kể cho họ điều gì? Đó chính là khởi nguồn ý tưởng của mình". Bạn ấy cũng bật mí rằng đoạn clip này đã ra đời khá lâu nhưng nhận dịp kỷ niệm Quốc Khánh 2/9 thì bạn ý mới quyết định up lên đấy.


Cùng chung tay với thế hệ trẻ đang học tập trong nước, những du học sinh Việt ở nước ngoài cũng góp phần làm nên một Việt Nam đầy nhiệt huyết và năng lượng trong lòng bạn bè quốc tế. Cùng những du học sinh tại Anh đồng thanh hát Quốc Ca tới du học sinh tại Pháp, clip Viet Nam, it’s not Chinese, bạn Minh cũng đã đóng góp một phần không nhỏ đem Việt Nam tới đất nước Nhật cùng clip Việt Nam là gì ý nghĩa này.


Còn bây giờ cùng ngắm clip khắc họa Việt Nam đầy ý nghĩa nhé!



Friday, August 31, 2012

9 trường đại học có nhiều giảng viên nổi tiếng nhất thế giới

Harvard, Yale, Stanford… là những trường tên tuổi không thể vắng mặt trong danh sách này. Bên cạnh đó còn có ĐH Boston, Texas và American.

Không có gì phải ngạc nhiên khi American University, ngôi trường nằm ở thủ đô của nước Mỹ, có đội ngũ giảng viên là những nhân vật nổi tiếng trên chính trường. Trường này có Ralph Nader - ứng viên 5 cuộc chạy đua Tổng thống của Đảng Xanh, Joe Clark – Thủ tướng thứ 16 của Canada và Jackie Norris – cựu chánh văn phòng của bà Michelle Obama.



 
Thành phố Austin thường được xem là tâm điểm sang trọng của bang Texas, và ĐH Texas tất nhiên cũng góp phần vào sự ấn tượng đó bằng cách thu hút cho mình những giảng viên tên tuổi nhất.
Đối với những SV học ngành khoa học, họ sẽ được giảng dạy bởi Steven Weinberg – nhà vật lý từng đạt giải Nobel với công trình nghiên cứu về hạt cơ bản, Robert Metcalfe – GS Kỹ thuật điện (người phát minh ra Ethernet và thành lập nhà sản xuất điện 3Com), James K. Galbraith – nhà kinh tế nổi tiếng từng là giám đốc điều hành của Uỷ ban Kinh tế cổ phần của Quốc hội.
Về lĩnh vực nghệ thuật, trường này có Nancy Schiesari – người đã sản xuất ra những bộ phim tài liệu cho PBS.

ĐH Boston là một ngôi trường danh tiếng, nhưng là một trong số những viện đại học thuộc khu vực Boston, trường này có nguy cơ bị lu mờ bởi những đối thủ nặng kí như Harvard và MIT. Tuy nhiên, Boston đã trang bị cho mình một đội ngũ giảng viên ấn tượng để đánh bật các tên tuổi khác.
Ở khoa Viết sáng tạo, trường có Robert Pinsky – nhà thơ từng được đề cử giải Pulitzer. Ở Trường đào tạo Báo chí, Boston có cựu nhà báo của ABC Robert Zelnick – người từng đạt giải Emmy. Ngoài ra, Boston còn có những tên tuổi khác như nhà văn Elie Wiesel.

Yale cũng nằm trong danh sách những trường có đội ngũ giảng viên được quốc tế công nhận. Khoa Lịch sử có John Lewis Gaddis – nhà lịch sử học từng đạt giải Pulitzer nhờ viết tiểu sử cho chính khách George F. Kennan. Khoa Hóa học có Sidney Altman – nhà sinh học phân tử từng đạt giải Nobel Hóa học vào năm 1989. Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa của Yale có giáo sư Emesto Zedillo – cựu Tổng thống Mexico.


Colorado tuyên bố có 2 giảng viên hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Vật lý: Eric Allin Cornell và John Hall. Cả hai đều từng đạt giải Nobel.

Stanford được nhiều người xem là “Harvard của bờ biển phía Tây”, trong đó một trong số các giảng viên là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Condoleeza Rice – giáo sư Kinh tế chính trị. Hiện tại, trường có 17 giảng viên từng đạt giải Nobel, 4 giảng viên đạt giải Pulitzer và nhiều giảng viên xuất sắc khác.


Không thể phủ nhận một điều rằng Harvard là một trong số những tên tuổi được biết đến nhiều nhất trên thế giới, vì thế một đội ngũ giảng viên ấn tượng cũng không phải là điều khó hiểu ở ngôi trường này. Trong số đó có nhà bình luận chính trị kiêm luật sư quốc phòng Alan Dershowitz – giảng viên môn Luật. Lawrence Lessig – nhà hoạt động chính trị và Henry Louis Gates – giám đốc Viện Văn hóa Châu Phi và Mỹ Phi W.E.B Du Bois cũng là 2 trong số những giảng viên có tiếng của trường này.



Được đánh giá là một trong những đại học công danh giá nhất nước Mỹ, Virginia có những giảng viên nổi tiếng ở các lĩnh vực như Viết sáng tạo, Khoa học y tế. Ở lĩnh vực văn học, trường có cả tiểu thuyết gia Ann Beattie và nhà thơ, người đạt giải Pultitzer Charles Wright. Ngoài ra, trường có Barry Marshall – người giành giải Nobel Y học vào năm 2005.

Penn từ lâu đã có tiếng là một ngôi trường tiệc tùng với các hoạt động thể thao, văn hóa sôi động, tuy nhiên các tiêu chuẩn học thuật của trường này cũng xuất sắc không kém. Đội ngũ giảng viên của Penn có nhà khí hậu học nổi tiếng Micael E. Mann và đôi khi Penn cũng là “nhà” của giáo sư thỉnh giảng Sir Roger Penrose. Bên cạnh danh hiệu Hiệp sĩ đã quá đủ ấn tượng, Sir Penrose còn từng giành giải Wolf Vật lý cùng Stephen Hawking vào năm 1988. Ngoài ra, ông còn nhận được huy chương Dirac vào năm 1989 và huy chương Copley năm 2008 nhờ những công trình nghiên cứu về vật lý toán học.
GDVN 
 Từ khóa: dai hoc danh tieng , dai hoc my , dai hoc anh , dai hoc phap , du hoc my , du hoc anh , du hoc phap , đại học , đại học danh giá , giảng viên giỏi , các trường đại học nổi tiếng , cơ hội du học mỹ , thông tin du học , xin visa du hoc my , xin visa du hoc anh , xin visa du học úc , xin visa du học pháp , visa du hoc nga , xin visa du hoc duc

Saturday, August 25, 2012

Người mẹ 4 năm nuôi giấc mơ đại học cho con trai cụt tay

Để thực hiện “giấc mơ đại học” của người con trai bị cụt cả hai cánh tay, người mẹ đã gác lại công việc ruộng vườn, bỏ quê lên thành phố làm nghề thu dọn phế thải để ngày ngày đưa con đến trường. 

Cô Vương Cảnh Ni, một phụ nữ nông thôn Trung Quốc, năm nay 44 tuổi, trông rất hiền lành và chất phác nhưng ít ai biết được rằng, phía sau sự bình dị đó là một trái tim nhân hậu và đầy tình yêu thương của một người mẹ.
Mới lên 5 tuổi, Kiện Bình, con trai cô Cảnh Ni đã bị cụt mất hai cánh tay do tai nạn giao thông. Một đêm mưa trước ngày tốt nghiệp cấp 2, vì tránh chiếc xe ba bánh, Kiện Bình lại bị ngã gãy xương. Tai nạn nối tiếp tai nạn, khiến gia cảnh cô Cảnh Ni càng thêm điêu đứng. Nhưng không vì những bất hạnh đó mà mẹ con cô từ bỏ giấc mơ của đời mình, đó là giấc mơ “bước chân vào cổng trường đại học”.

Hình gởi
Cô Cảnh Ni và con trai Kiện Bình chụp trước cổng trường. Khi sức khỏe vẫn chưa hồi phục hẳn, Kiện Bình đã chăm chỉ lao vào ôn thi lên cấp 3 nhưng Kiện Bình lại thiếu mất 10/100 điểm và đã bị loại. “Con muốn đi học! Con muốn đi học!” - Kiện Bình vẫn kiên quyết theo đuổi giấc mơ của bản thân và đã một mình đến Sở Giáo Dục để tìm kiếm cơ hội đặc cách đi học. May mắn đã mỉm cười với Kiện Bình khi trường trung học Trung Mấu đã quyết định nhận bạn ấy vào học miễn phí. Niềm vui mới được nhóm lên thì mẹ anh, cô Cảnh Ni lại không khỏi lo lắng cho con trai vì không biết Kiện Bình sẽ phải xoay sở thế nào để có thể học tập và tự chăm sóc bản thân. Cuối cùng cô Ni đã hạ quyết tâm cùng con khăn gói lên thành phố.
Hình gởi
Ngày ngày Kiện Bình chăm chỉ học tập để không phụ lòng của mẹ.
May mắn lại lần nữa mỉm cười với hai mẹ con cô Ni, khi nhà trường đã đặc cách thu xếp cho hai người một căn phòng nhỏ và hỗ trợ cô Ni một công việc ổn định để tiện chăm sóc con trai. “Ban ngày tôi quét dọn vệ sinh trong trường, buổi tối nấu cơm giặt đồ cho Kiện Bình. Tôi chẳng mong gì cả, chỉ mong con trai có thể thi đỗ đại học” - cô Ni chia sẻ.
Hình gởi
Hình gởi
Hình gởi
Cô Cảnh Ni vất vả đi thu gom từng túi rác, chỉ mong có thể gần gũi và chăm sóc đứa con trai tật nguyền này. Thời gian thấm thoắt trôi qua, cô Ni đã theo con đến trường được 4 năm, 4 năm lặng lẽ chăm sóc con trai tàn tật, 4 năm cùng con theo đuổi giấc mơ lớn của cuộc đời, cô Ni vẫn luôn cảm thấy thật hạnh phúc. Thấu hiểu sự hy sinh và tấm lòng của mẹ, Kiện Bình cũng rất quan tâm đến mẹ, bạn đã tự mày mò học những việc đơn giản nhưng với người tàn tật như anh quả là một sự kiên trì đáng kính nể như xâu kim chỉ để mẹ khâu vá, thêu thùa. “Tôi phải nỗ lực, không ngừng cố gắng thì mới không phụ lòng mẹ, tôi sẽ không bao giờ làm mẹ thất vọng” - Kiện Bình xúc động cho biết.
Hình gởi
Hình gởi
Hình gởi
Dù mất đôi tay, nhưng Kiện Bình vẫn có thể làm được rất nhiều công việc khác để giúp đỡ mẹ. Câu truyện cảm động về tình mẫu tử của cô Vương Cảnh Ni đã một lần nữa chứng minh cho đức hy sinh của người mẹ và tình mẫu tử thiêng liêng luôn hiện hữu trong cuộc sống.

Kênh 14

Monday, August 20, 2012

Rùng mình những kiểu hành hình thời Trung Cổ


Đóng đính lên thập tự, tắm nước sôi, lột da… là những kiểu hành hình tàn khốc nhất lịch sử loài người.


1. “Tắm” nước sôi


Bạn hãy thử tưởng tượng xem ai có khả năng sống sót sau khi bị nhúng vào vại nước sôi sùng sục. Con số thoát khỏi bàn tay tử thần là rất hiếm hoi, bởi thế, hình thức hành hình này được xem là dã man nhất thời cổ đại và được thực hiện xuyên suốt quá trình lịch sử xa xưa của loài người. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mẩu xương người trong những cái lò và nồi nấu ăn ở Trung Quốc cách đây khoảng 500.000 năm. Tại Anh, những năm 1500, hình thức này được xem là hợp pháp. Nạn nhân của nó sẽ được “nhúng” ngập trong vại nước, dầu hoặc hắc ín sôi sùng sục cho đến chết. Chỉ cần nghĩ đến vại dầu nóng kia thôi, chúng ta có thể “đồng cảm” với nỗi sợ hãi kinh hoàng của những tử tù khi phải trải qua khoảnh khắc tồi tệ cuối cùng của đời mình.

2. Đóng đinh lên thập tự


Đóng đinh lên thập tự là một trong những hình thức tra tấn khủng khiếp và dã man nhất thời cổ xưa, kéo dài suốt thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đến thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, chủ yếu diễn ra ở các đế chế Seleucid, Carthaginian, Ba Tư và La Mã cổ đại. Tù nhân bị kết án sẽ bị buộc hoặc đóng đinh lên cây thập tự và bỏ mặc để “gặm nhấm” nỗi đau cho đến chết. Chưa hết, xác họ sẽ không được đem chôn mà treo lên cao để bêu rếu và làm “bài học” xương máu cho những ai có manh mún phạm tội. Dã man hơn nữa, tù nhân còn bị lột sạch quần áo và phải đeo cây thập tự nặng khoảng 30 đến 60 kg đến nơi hành hình.

3. Lột da


Kiểu hành hình man rợ, khủng khiếp và tàn bạo thời Trung Cổ này được thực hiện nhiều nhất ở Trung Đông và châu Phi cách đây khoảng 1000 năm. Đối tượng phải chịu hình phạt này là các loại tội phạm, tù binh và những người bị cáo buộc sử dụng ma thuật. Sau khi được treo lên giá, quá trình “tước” da sống bắt đầu và cái kết thúc của án hình là nạn nhân sẽ phải chịu đau đớn cùng cực cho đến chết, bộ da của họ được “đính” lên tường như một lời cảnh báo cho những ai dám cả gan coi thường luật pháp. Hình phạt này là một niềm khiếp sợ đối với cả phạm nhân và những người chứng kiến.

4. Mổ bụng


Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng nghe hoặc chứng kiến loại án hình khủng khiếp này trong đời. Nhưng đó là câu chuyện của người “ngoài cuộc”, còn những người “trong cuộc”, không cần nói, chúng ta cũng có thể hình dung cảnh tượng đẫm máu đầy đớn đau khi “lục phủ ngũ tạng” bị móc ra từ từ, từng chút một mà những tội nhân như trộm cắp, ngoại tình phải hứng chịu. Bất ngờ thay, tại những quốc gia “văn minh” như Anh, Hà Lan, Bỉ và Nhật Bản, án hình này khá phổ biến. Nhật Bản nổi tiếng với kiểu tự mổ bụng của các chiến binh Samurai khi họ không làm tròn nhiệm vụ cao cả được giao. Bên cạnh đó, trong thời kỳ Trung Cổ, án hình này còn “sơ khai” và dã man hơn nhiều khi tù nhân trở thành “mồi” ngon cho bọn chuột đói tha hồ gặm nhấm vùng bụng.

5. Bánh xe tra tấn


Có nguồn gốc từ Hy Lạp thời Trung Cổ và kéo dài cho đến tận thế kỷ 19 ở các quốc gia Pháp, Nga, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Thụy Điển, bánh xe tra tấn hay còn gọi là Bánh xe Catherine là hình thức thi hành án được dùng để các phạm nhân trải nghiệm cái chết đau đớn một cách từ từ. Dụng cụ “giết người” này là một bánh xe lớn dùng để cột căng tứ chi phạm nhân, người thi hành án sẽ dùng búa lớn để đập vỡ xương tứ chi và khung xương sườn của phạm nhân cho đến khi trên bánh xe kia chỉ còn là một khối thịt trộn lẫn với các mảnh xương đã nát vụn. Sau đó, phần đầu của phạm nhân xấu số sẽ bị treo lên bêu rếu và làm bài học xương máu cho những ai không tuân theo pháp luật, còn khối thịt trộn xương kia sẽ được lũ chim “dọn dẹp” sạch sẽ.

6. Đóng cọc xiên người


Sẽ là bình thường nếu người ta khuyên tai, mũi, rốn, thậm chí là lưỡi để làm đẹp và trở nên có chút nổi trội với mọi người. Nhưng sẽ là khác thường và dã man nếu như cả một khối sắt dài xuyên dọc cơ thể cho đến khi cái chết tìm đến. Lạ một điều, án hình này lại cực kỳ được ưa chuộng ở Lã Mã, Trung Quốc, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cùng một số quốc gia châu Âu và châu Á khác thời Trung Cổ. Thiết bị hình này là một cây sắt nhọn được dùng để đâm phạm nhân từ dưới đâm lên đến miệng, sau đó họ bị đưa vào một cái huyệt riêng rồi để mặc họ chờ cái chết đến sau vài giờ hay vài ngày trong tột cùng đau đớn.

7. Voi giày


Tồn tại khá phổ biến hàng mấy nghìn năm trong hệ thống thực thi pháp luật ở các quốc gia Nam Á và Đông Nam Á, án hình voi giày là cách người ta huấn luyện những con voi biết giết người, áp dụng cho những tử tội chống lại triều đình hay những phe phái phiến loạn bằng cách để chúng dùng chân giẫm lên cơ thể phạm nhân hay dùng vòi cuốn nạn nhân lên cao và quật xuống đất. Ngoài ra, người ta còn dùng những phiến đá nặng đè lên ngực hay toàn thân phạm nhân khiến họ ngạt thở và chết từ từ sau đó.

8. Hỏa thiêu

Nếu tận mắt chứng kiến án hình khủng khiếp được thi hành này, nhiều người sẽ “tạnh” ngay ý định phạm tội bởi cái chết không đến ngay trong phút chốc mà lan dần, lan dần từ chân, đùi đến ngực và “ôm gọn” đầu người trong vòng vây cũi lửa ngun ngút bốc cao. Sau vài giờ, thịt và xương phạm nhân chỉ còn là tro bụi hòa cùng đám tro tàn trong đống cũi còn vương vấn đâu đây mùi thịt nướng thơm phức. Lịch sử từng chứng kiến nhiều tử tội nổi tiếng trải qua án hình man rợ này ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ như Nữ chiến binh người Pháp Joan of Arc (1412 – 1431), Giáo sĩ người Scotland Patrick Hamilton (1504 – 1528) hay Tổng gián mục thành Cantebury ở Anh Thomas Cranmer (1489 – 1556).
9. Treo lộn ngược
Phương pháp này được sử dụng để tra tấn và hành quyết tử tội bị kết án sử dụng ma thuật, giết người, ngoại tình, trộm cắp, thường được sử dụng thời Đế chế La Mã ở châu Âu và một số quốc gia khác ở châu Á. Tử tội sẽ bị treo ngược trên một cái giá nhằm làm chậm quá trình mất máu trong khi đao phủ tra tấn nhục hình như cắt từng bộ phận người từ háng trở lên hay xẻ dọc thân người một cách chầm chậm trong nỗi đau đớn tột độ của nạn nhân và niềm kinh hãi, khiếp đản của người chứng kiến. Theo sử sách, nhà tiên tri thành Judah Isaiah sống vào khoảng thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên đã bị hành quyết theo án hình này.

10. Lăng trì


Lăng trì, còn gọi là tùng xẻo là hình thức xử tử tàn độc, dã man và ghê rợn bậc nhất thời Trung Cổ, phổ biến tại Trung Quốc từ năm 900 đến năm 1905 mới được hủy bỏ. Trước sự chứng kiến của toàn dân chúng, phạm nhân bị kết án mưu phản, giết người, gian dâm sẽ bị trói vào cột, đao phủ nghe hiệu lệnh bằng tiếng trống rồi chặt tay, chân và sau đó dùng dao sắc xẻo từng miếng thịt nạn nhân cho đến chết. Quá trình thi hành án kéo dài từ 15 đến 20 phút tùy theo mức chịu đựng của từng phạm nhân. Những miếng thịt được treo khắp nơi công cộng nhằm mục đích răn đe dân chúng.

ConanẢnh: Environment


Xem chi tiết: http://www.phutvui.net/2012/08/rung-minh-nhung-kieu-hanh-hinh-thoi.html#ixzz2468j4eso

Bức xúc với clip nữ sinh THPT đánh bạn dã man vì bị chê “mất trinh”

Lại thêm một clip nữ sinh đánh nhau dã man tiếp tục được tung lên mạng trong thời gian mới đây. Hai nữ sinh mặc áo đồng phục nhà trường đã lao vào bạn nữ cùng lớp và liên tục tung ra những cú đòn dã man như túm tóc, tát và lên gối với người bạn này vì lí do đã nói mình… “mất trinh”?

Những ngày qua, cư dân mạng đang xôn xao với đoạn clip ghi lại cảnh hai nữ sinh mặc áo đồng phục nhà trường đã lao vào bạn nữ cùng lớp và liên tục tung ra những cú đòn dã man như túm tóc, tát và lên gối với người bạn này vì lí do đã nói mình…mất trinh?
Chuyện xảy ra ngay trong lớp học tại một trường ở khu vực phía Nam. Sau phần “chất vấn”, hai nữ sinh đã lao vào túm tóc và lên gối liên tục một bạn cùng lớp. Sự việc có lẽ xảy ra vào giờ ra chơi và không hề thấy một ai can ngăn hành động dã man này, trái lại những bạn khác trong lớp còn đứng cười, quay phim chụp ảnh.
Nữ sình này ngang nhiên đánh bạn hết sức dã man ngay trong lớp học (Ảnh cắt ra từ clip)
Chưa rõ nữ sinh này bị đánh có phải vì đã nói bạn mình mất trinh hay không…? nhưng cho dù có như thế nào đi chăng nữa, việc đánh bạn dã man ngay trong khuôn viên trường học như thế này thì quả thực không thể nào chấp nhận được.
Sau khi clip được tung lên mạng đã nhận được rất nhiều phản hồi thể hiện sự bất bình của mọi người đối với hành động đánh bạn của hai nữ sinh trên: “Thật là không thể tưởng tượng được giới trẻ ngày nay lại tồi tệ đến như vậy, rất đáng phê bình”, một thành viên trên Youtube bình luận.
Một bạn khác có tên Truongnghia cũng đồng quan điểm: “Đạo đức của giới trẻ ngày nay càng ngày càng đi xuống một cách nghiêm trọng…”.
Theo thông tin ban đầu của người đã đưa clip này lên trên mạng thì sự việc trên xảy ra tại trường THPT Trần Hưng Đạo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu


Friday, July 27, 2012

Tinh thần hiếu học ngày nay

Tinh thần hiếu học ngày nay.

(Hiếu học). Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh và có truyền thống hiếu học, người Việt Nam lấy sự học làm điều căn bản để thực hiện đạo lý làm người. Trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, qua mọi giai đoạn thăng trầm của lịch sử, hiếu học là một truyền thống, là nguồn sức mạnh tinh thần luôn được đề cao và coi trọng.




(Quốc Tử Giám đã được ghi tên vào danh mục Di Sản Văn hóa Thế giới).
hình: Tượng thờ vua Lý Nhân Tông, người có công lập ra Quốc Tử Giám.



Truyền thống hiếu học là một trong những giá trị truyền thống quý báu được hình thành và hun đúc từ dòng chảy lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt. Đó chính là tinh thần quả quyết, tính kiên trì, nhẩn nại và ham học hỏi. Sự hiếu học ấy đã tạo điều kiện sản sinh nhiều bậc lương đống, các trung thần, những anh hùng dân tộc…Dù xuất thân mỗi người tuy khác nhau nhưng họ đều có điểm chung là tinh thần hiếu học.


Đức tính hiếu học này sẽ được kế tục và phát huy bởi các bạn. Tự hào là thế hệ thanh niên nam nữ có năng lực công dân mới, với tinh thần dám suy nghĩ một cách độc lập, sáng tạo, tự tin vào khả năng của bản thân để có thể vượt khó thực hiện cho kỳ được ước mơ và hoài bão của mình, để bay cao và bay xa hơn nữa.


Kiên định kiếm tìm trí tuệ sẽ hình thành tính hiếu học, cộng với lòng yêu quê hương là yếu tố hết sức quan trọng cho sự phát triển tương lai của đất nước, hội nhập vào nền kinh tế tri thức thế giới theo xu hướng chung của thời đại hiện nay.


Muốn có đủ tri thức, kỹ năng, bản lĩnh và sẵn sàng hội nhập với lòng yêu nước nồng nàn, đưa đất nước đi lên, các bạn hãy tâm niệm một điều: học là để lấy kiến thức, nên học đều các môn chứ không giành sự ưu ái cho bất kỳ môn nào, tất cả các môn khoa học tự nhiên và xã hội đều có tầm quan trọng của riêng nó!


Vì vậy, biết rèn luyện, thi đua để có sức khoẻ tốt, học tập tốt. Có ý chí và ước mơ xây dựng đất nước giàu mạnh, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng nỗ lực vượt lên, nắm bắt thời cơ, không lùi bước. Góp phần gìn giữ và phát huy một cách sáng tạo tinh thần hiếu học, một truyền thống quý báu đã tạo nên sức mạnh cho dân tộc ta từ bao đời nay và trong cả tương lai.



Kết hợp cả hai phương thức học: học có hệ thống để làm giàu tri thức một cách toàn diện và học theo yêu cầu, cần gì học nấy, học để nâng cao tay nghề phục vụ sản xuất, tích lũy vốn tri thức, hiểu biết, tự trang bị cho mình một ngành nghề phù hợp để vững bước vào đời.


Hiếu học là một quá trình tích luỹ lâu dài, không chỉ giới hạn vào việc đạt kết quả cho riêng một giai đoạn nào. Không tự thoả mãn với thành tích của mình mà hãy rèn luyện để có một tinh thần ham học hỏi, cầu thị: học thầy cô, học anh chị khoá trên, học bạn và học trong cuộc sống.... Chỉ có chí thú trong sự học, không bị đòi hỏi mà vẫn học, dốc lòng dốc sức theo đuổi tiến bộ thì khát vọng thành công cho cuộc sống sau này của bạn chắc chắn trở thành sự thật.


Chúc các bạn đạt nhiều thành tích trong học tập.

Xem thêm: FORUM

Văn Chí Kỳ

ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH QG TPHCM): Điểm chuẩn sẽ tăng

(KĐH) - ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH QG TP.HCM) đã chính thức công bố điểm thi năm 2012. Mặt bằng điểm thi của trường năm nay khá cao, điểm chuẩn dự kiến sẽ tăng nhẹ.

Thủ khoa toàn trường là thí sinh Trần Thị Trúc Quỳnh (SBD 10399), học sinh Trường THPT chuyên Bến Tre dự thi khối B đạt 29 điểm (Toán 9,25 điểm; Sinh 10 điểm và Hóa 9,5 điểm).


Ngoài ra, thủ khoa khối A là thí sinh Vũ Thành Huy (SBD 5406) là học sinh trường Phổ thông Năng khiếu đạt 27,5 điểm.

Thủ khoa khối A1 cũng là một học sinh của Phổ thông Năng khiếu đạt 27,5 điểm là thí sinh Nguyễn Thanh Nguyên (SBD 8112).

Toàn trường có 14439 thí sinh dự thi. Trong đó số thí sinh điểm tổng trên điểm sàn 2011 là 9.239/14.000 thí sinh. Cụ thể khối A có 5.907 thí sinh; khối A1 có 7.74 thí sinh; khối B có 7.319 thí sinh.

Năm nay, Trường sẽ tuyển 3.500 chỉ tiêu; trong đó, 2.800 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo Đại học, 700 chỉ tiêu cho hệ Cao đẳng ngành Công nghệ Thông tin. Dựa trên mặt bằng chung điểm thi vào trường năm nay khá tốt, nên điểm chuẩn vào các ngành cũng sẽ được điều chỉnh tăng nhẹ so với năm ngoái.

Trích: FORUM - Theo: GDVN

ĐH Sài Gòn: 11.006 thí sinh vượt 13 điểm


(KĐH) - Trường ĐH Sài Gòn vừa công bố điểm thi ĐH 2012. Trường tuyển sinh 5.300 chỉ tiêu, có 11.006 thí sinh vượt qua 13 điểm.

Thủ khoa toàn trường là thí sinh khối N đạt 25,5 điểm là Nguyễn Thị Thu Hà đăng ký ngành Sư phạm Âm nhạc trong đó Văn: 7,5; Năng khiếu 1: 9; Năng khiếu 2: 9.

Thủ khoa khối C là bạn Nguyễn Thị Thanh Thảo đạt 25 điểm đăng ký ngành Việt Nam học trong đó Văn: 8; Sử: 8; Địa: 9. Thanh Thảo là học sinh trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng).

Thủ khoa khối D1 đạt 24 điểm Hà Thị Thuận đến từ trường THPT THPT Nguyễn Công Trứ (Gò Vấp, TP. HCM).

 
Ảnh minh họa


Thủ khoa khối A1 đạt 24 điểm là bạn Đỗ Lê Như Quỳnh đến từ trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quy Nhơn), Toán: 9; Lý: 5,5; Anh: 9,5.

Ngành Tài chính - Ngân hàng lấy 370 chỉ tiêu. Trong số hơn 7200 thí sinh đăng ký vào ngành, có 313 thí sinh đạt từ 18 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên).

Ngành Quản trị kinh doanh lấy 370 chỉ tiêu. Trong số hơn 7223 thí sinh đăng ký ngành này, có 331 thí sinh đạt từ 17 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên)

Ngành Giáo dục Tiểu học lấy 210 chỉ tiêu. Trong số hơn 5300 thí sinh đăng ký, có 201 thí sinh đạt từ 15,5 điểm trở lên (chưa tính điểm ưu tiên).

Ngành kế toán lấy 350 chỉ tiêu. Trong số hơn 4600 thí sinh đăng ký vào ngành này, có 334 thí sinh đạt từ 16,5 điểm trở lên.

Hơn 43.022 thí sinh dự thi vào trường ĐH Sài Gòn. Trong đó có 11.006 thí sinh có điểm tổng 3 môn từ 13 điểm trở lên. Chỉ tiêu của toàn trường là 5.300 thí sinh. Do vậy điểm chuẩn vào các ngành có thể sẽ cao hơn điểm sàn.