"Một con người ra đời” – câu chuyện gần gũi và tràn đầy tính nhân văn
Tuổi thơ nhiều bất hạnh, đắng cay; từng chu du khắp nước Nga vừa đi vừa kiếm sống; trường đời khắc nghiệt, lao động vất vả, nghị lực phi thường và cả tình thương yêu bao la của bà ngoại đã hun đúc nên một Măcxim Gorki (1868 – 1936) - người đặt nền móng cho văn học Xô viết, “chim báo bão” của cách mạng Nga đầu thế kỷ XX và là một trong những nhà văn lớn của thế kỷ này.
Gorki là một trong những người đề xướng và cũng được tôn vinh là “bậc thầy” của Chủ nghĩa hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Nét đặc sắc trong sáng tác của Gorki là tình yêu nước Nga, yêu thiên nhiên Nga và đặc biệt là tình yêu con người. Tin yêu, thậm chí sùng bái con người, ông ca ngợi vẻ đẹp, tầm vóc lớn lao của con người và tạo nên những trang viết thấm đượm tinh thần nhân văn, gây xúc động lớn cho người đọc.Trong số đó không thể không kể tới truyện ngắn “Một con người ra đời” được viết vào năm 1912.
Cơ sở của truyện dựa trên sự việc có thật xảy ra với chính tác giả vào cuối mùa hè năm 1892 - một năm đói kém – khi ông đang làm việc tại công trường Kapkaz. Tác giả mô tả lại cảnh “vượt cạn” của một phụ nữ nông dân nhưng không theo cái nhìn củanhà y học mà tập trung làm nổi bật nỗi đau đớn vô cùng và niềm vui khôn tả của người mẹ khi sinh ra một con người.
Ngòi bút miêu tả tỉ mỉ, chi tiết đã “không bỏ sót một điều gì trong toàn bộ quá trình sinh nở của người mẹ: đau đẻ, trở dạ, cắt rốn, chờ nhau” (Nguyễn Hải Hà). Với mỗi chúng ta, với những người mẹ chuyện sinh nở có xa lạ gì đâu nhưng sao khi đọc những trang viết của Gorki ta chợt như thấy mình có thêm nhiều khám phá. Nỗi đau tột cùng, sự vật vã, quằn quại thể xác khi sinh con của người mẹ được ví với “miếng vỏ bạch dương hơ lửa”, được mô tả qua những “tiếng rên khò khè”, “tiếng rống”, “tiếng gầm gừ” như những con thú. “Khuôn mặt đỏ bầm, căng bự lên”, biến dạng “trông không còn ra mặt người nữa”, “đôi môi tím bầm mím chặt lại, bọt sùi hai bên mép”, đặc biệt là đôi mắt, “đôi mắt đã dại hẳn đi, chạy đầy những tia máu”, “bạc màu đi dưới ánh nắng” và “tuôn ra những giọt nước mắt của nỗi đau đớn vô cùng của người mẹ”, “toàn thân chị như vỡ ra, chia hẳn ra làm đôi”. Chi tiết hiện thực nhưng không hề thô ráp, càng không “xúc phạmtrắng trợn thị hiếuthẩm mĩ” bạn đọc như một nhà văn Nga đương thời chê trách. Phải chăng “dũng khí” của Gorki khi viết những dòng này đã được tiếp sức từ chính chàng trai trẻ trong câu chuyện 20 năm về trước. Chỉ nghe một tiếng rên khe khẽ anh đã thấy “xao động”, thân thiết, “ruột rà”. Mặc cho người đàn bà xua đuổi, chửi bới; vượt qua sự ngượng nghịu, luống cuống, anh “xông” vào đỡ đẻ chỉ vì “thương chị quá chừng”, cho dù hiểu biết củachàngtrai về “cái khoản này” có được là bao. Và khi đã bế trên tay một con người, mắt anh nhoà lệ, rồi nhìn nó mà cười lớn “Rất mừng được gặp chú bé”. Niềm hân hoan đến trào nước mắt của chàng trai khi chào đón một con người cũng là âm hưởng chủ đạo mà Măcxim Gorki muốn tấu lên trong “bản trường ca” về con người này : “Cao cả thay cái chức vị làm người trên trái đất”.
Mải mê ngắm chú bé đỏ hỏn mà chàng trai “quên khuấy đi những việc còn phải làm” đến mức người mẹ phải giục “Cắt đi...Lấy dao...mà cắt” nhưng nụ cười rạng rỡ, đôi mắt ánh lên niềm vui khôn tả xiết của người mẹ thì anh “thấy rất rõ”. Anh thấy “ngọn lửa xanh biếc” trong đôi mắt sâu thẳm, “đôi mắt thần thánh” của người sản phụ. Nụ cười đẹp đẽ, chói lọi của chị làm anh loá mắt. Có ý kiến cho rằng: nhà văn đã đem hết tình thương và vốn từ ngữ giàu có của mình để ca ngợi niềm vui sướnghạnh phúc của người mẹ trẻ lần đầu tiên sinh nở được một đứa con yêu quý. Niềm vui ấy không chỉ lây lan sang chàng trai khiến anh không dưới 7 lần phải nhắc đi nhắc lại vẻ đẹp của đôi mắt và nụ cười người sản phụ khi vừa trải qua một cuộc vượt cạn đầy gian khó và đã “mẹ tròn con vuông”. Niềm vui ấy còn lan toả vào cả thiên nhiên xung quanh: bầu trời xanh biếc, lá thu vàng rực, biển vỗ ì ầm, sóng lao xao, mặt trời rọi nắng chói lọi. Phải chăng thiên nhiên cũng mừng vui chào đón sự ra đời của đứa trẻ, chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao với người mẹ. Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện một con người ra đời được đặt trên phông nền là bức tranh thiên nhiên Nga tráng lệ, kì vĩ.
Lòng trân trọng, tin yêu vô bờ bến của Gorki đối với con người là không thể đo đếm. Vì thế, ông đã nâng việc sinh nở tự nhiên, bình thường thành Sự sáng tạo thiêng liêng, người mẹ thành Tạo hoá và đứa bé sơ sinh – công trình của Tạo hóa - một con người. Ý tưởng ấy giúp ta gợi nhớ những lời lẽ, vần thơ cao đẹp mà nhân loại dành cho người mẹ: Người mẹ chính là Đấng sáng tạo ra cả anh hùng và nhà thơ, hay như “Không có mặt trời hoa hồng không nở. Không có phụ nữ không có tình yêu. Không có tình yêu không có hạnh phúc. Không có người mẹ không có anh hùng”(Klapin). Bernard Shaw cũng nói rằng: “Thế giới không có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”. Tình yêu thương con bao la, dạt dào như sóng biển vùng Kapkaz của người mẹ trong câu chuyện phải chăng cũng là một kỳ quan như thế.
Người mẹ cũng như nhà văn đều băn khoăn về tương lai của đứa trẻ khi hiện tại là bao chông gai, là lang thang, đói khổ. Nhưng họ cùng có chung một mong ước về tương lai tốt đẹp cho chú bé, cho con người, mong ước con mình, mong ước con người được sống khoẻ khoắn, sung sướng trong tự do.
No comments:
Post a Comment