Wednesday, July 4, 2012

Bình giảng một đoạn trong bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi



Bình giảng một đoạn trong bài Đất nước của 
Nguyễn Đình Thi:

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy

Bài Làm

Nếu Đây mùa thu tới của Xuân Diệu gieo cho người đọc sự thán phục về sức nhạy cảm của giác quan con người lúc giao thời, Thu vịnh của Nguyễn Khuyến gieo cho ta cảm giác tươi mát trong trẻo của cảnh trời thu xanh ngắt thì Đất nước với mùa thu “xao xác hơi may” và “thềm nắng lá rơI đầy” đI vào lòng người đọc với một tình cảm thật sâu lắng, cao đẹp bằng nỗi nhớ của Nguyễn Đình Thi về Hà Nội năm xưa.

Bài thơ ra đời vào năm 1948 và được sửa lại năm 1955. Đó là thời điểm cả nước ta vừa chiến thắng vang dội ở chiến dịch Việt Bắc 1947 và chiến dịch biên giới thu đông 1950. Đất nước trong nỗi nhớ của Nguyễn Đình Thi đã hiện hình trong ta với tất cả sự bình dị mà hùng dũng, thân thuộc mà thiêng liêng quá đỗi.

Theo xuất sứ của bài thơ thì đây hẳn là nỗi nhớ của tác giả về thu Hà Nội năm xưa, tôi như thấy hình ảnh của một người chiến sĩ ở núi rừng Việt Bắc đang nhớ về Hà Nội.

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may.

Một từ “chớm” đứng trước từ “lạnh” diễn tả rất đúng cái camr giác của tác giả khi Hà Nội vào thu. Cái lạnh mới đến nên còn e ấp sẽ sàng, như ngọt ngào báo hiệu. Thế là mùa hạ nồng nực với những cơn nắng đổ lửa đã đi xa rồi, mùa thu mới vừa đến sáng nay…

Thu đã đến thật trong lòng Hà Nội, trong không gian hoa cỏ của Hà Nội… hay chính trong lòng người?

Cái từ “chớm lạnh” thật “đắt” đã diễn tả niềm cảm xúc mãnh liệt của Nguyễn Đình Thi thật trọn vẹn. Phải chăng tác giả cũng đồng ý với câu: “Một con én không dệt nổi mùa xuân nhưng khi xuân đến là lúc có chim én bay liệng”. ở đây cũng vậy, có “chớm lạnh” mới biết thu sang. Tôi nhớ nhà thơ Trung Quốc đẫ từng có câu:

Ngô đồng nhất diệp lạc
Thiên hạ cộng tri thu.

Có nghĩa là ngô đồng rơi một lá, ai cũng biết thu sang.Thế đấy! Chỉ cần một lá ngô đồng rụng cũng đủ biết mùa thu đã đến rồi!

Những phố dài xao xác hơi may…

Gió thổi dài trên phố như kéo dài không gian ra, không gian dài, phố càng dài hơn, buồn hơn và vắng lặng hơn, chỉ có gió rong ruổi mải miết trên phố vắng. Mà nó cũng chưa thật là gió, đó chỉ là hơi may- hơi thở của mùa thu mà thôi.

Từ “xao xác” trong câu thơ cũng làm lòng ta xao xác vì buồn. ở đây, tác giả muốn nhấn mạnh từ “xao xác” mới phug hợp với “hơi may”. 
Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Đầu không ngoảnh lại mà biết được sau lưng, biết một cách rất rõ thì quả là rất lạ! Lạ nhưng vẫn rất hợp lý, nhất là hợp tình.

Đầu không ngoảnh lại…

Người đi có thật không luyến tiếc gì về nơi cũ chăng?
Thâm Tâm trong bài Tống biệt hành đã từng có câu:

Người đi? ừ nhỉ người đi thực?
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say

Với sự dứt khoát đến vậy thì mấy ai nghĩ rằng cuộc tiễn đưa ấy đã “Đầy hoàng hôn trong mắt trong”?. Có mấy ai nghĩ rằng lòng người ra đI cũng đang “có tiếng sóng” dù không được tiễn qua sông? ở đây cũng thế, tuy “ra đi đầu không ngoảnh lại” nhưng làm sao tránh khỏi bịn rịn, không chút xao xác buồn khi chia xa Hà Nội nơi có nhiều kỉ niệm gắn bó, nơi đẹp đến thế, thân yêu đến thế, Hà Nội với ba mươi sáu phố phường, với hàng ngàn năm lịch sử, bất cứ nơi đâu bạn cũng có thể nghe kể về một truyền thuyết hoang đường hoặc một danh nhân nổi tiếng…Đáng yêu dáng nhớ đến vậy thì làm sao không buồn khi cách xa.

Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Người ra đi quả thực kì lạ, dường như có giác quan thứ sáu ở sau lưng để quan sát mọi việc xảy ra. Giác quan ấy hẳn là giác quan “yêu thương” đặc biệt mà chỉ có Nguyễn Đình Thi mới có được.

Tiết tấu, nhịp điệu câu thơ rất lạ, bảy tiếng đều đặn như tiếng lá rơi ở thềm nắng, như lắng đọng trong lòng người đi cảm giác mãnh liệt đang trỗi lên.

Câu thơ như nhịp bước đầy dặn của người đi đầy quả quyết mà lưu luyến, lặng lẽ mà xao động, đầu không ngoảnh lại mà lòng người mãI hướng về…

Hẳn là người ra đi đang cố nén xúc động, sợ ánh mắt phải bắt gặp cảnh cũ, lòng sẽ không thể xa rời người ấy đang cố tạo cho mình sự bình thản nhưng có ai biết lúc ấy, người đang cố giấu che những giọt nước mắt đang rơi mằn mặn bờ môi? Tất cả chỉ mong có kẻ nào đó ở lại quê nhà yên lòng dù người đi đang tan nát lòng, đang tắt nghẹn trong hơi thở…

Lá rơi hay thềm nắng hiên nhà đang rơi và cả tâm hồn người đi nữa: cũng đang rơi vào một khoảng không sâu thẳm mênh mông không nơi bám víu.

Có mùa thu nào mới chớm đẹp như thu Hà Nội chăng? Có nỗi buồn nào sâu lắng hơn nỗi buồn chia tay này chăng? Phải yêu Hà Nội đến cháy lòng mới có được cái cảm xúc mãnh liệt mà sâu lắng tuyệt vời đến thế!
Đoạn thơ thật ngắn ngủi với bốn câu thơ theo lối thơ tứ tuyệt đường luật, tác giả không tả nhiều về Hà Nội nhưng lại bộc lộ thành công cái tình cảm yêu thương Hà Nội mãnh liệt của người đi. Bằng sự chân thật trong tận tâm hồn, Nguyễn Đình thi đã tạo được những vần thơ rất tuyệt vời về mùa thu, về khung cảnh và hơn hết đó là tâm lòng mà tác giả chỉ dành riêng cho Hà Nội.

(Sưu tầm)

No comments:

Post a Comment