Cần phải giới thiệu điều nhà tài trợ quan tâm chứ không phải giới thiệu cái người chào tài trợ có
Trong tổ chức sự kiện, vận động tài trợ là một công việc quen thuộc, từ những Event mang tính cộng đồng, xã hội cho đến cả những Event thương mại. Với nhiều năm trong nghề marketing và tài trợ cho nhiều sự kiện lớn nhỏ, tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm mời tài trợ dưới góc độ nhìn nhận của một nhà tài trợ.
Xác định đối tượng tài trợ tiềm năng
Cũng giống như việc marketing hay bán hàng, "khoanh vùng" khách hàng tiềm năng sẽ là một cách giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí và gia tăng hiệu quả chạy tài trợ. Thà bạn tập trung chăm sóc 10 nhà tài trợ tiềm năng còn hơn rải thảm hồ sơ tài trợ đến 100 công ty khác một cách không chọn lọc. Để xác định được "nhà tài trợ tiềm năng" bạn cần cân nhắc:
- Đối tượng tham dự Event của bạn là ai: Từ đó bạn xác định đối tượng đó là khách hàng của những sản phẩm nào và tìm kiếm công ty tài trợ phù hợp. Chẳng hạn đó là một Event dành cho sinh viên, bạn có thể hướng đến nhà tài trợ là các công ty thiết bị số như điện thoại, loa nghe nhạc, các sản phẩm đồ ăn nhanh, nước giải khát, thời trang, mỹ phẩm hạng trung, xe máy, các trung tâm đào tạo kỹ năng mềm, trung tâm Anh ngữ, các ngân hàng (nếu là sinh viên khối ngành kinh tế), các sản phẩm máy tính (nếu là sinh viên khối CNTT, một Event dành cho phụ nữ từ 30-40 tuổi thì nhà tài trợ có thể là các hãng sữa, hãng mỹ phẩm trung đến cao cấp, thời trang, xe máy cho nữ, hàng tiêu dùng nhanh như dầu gội, bột giặt, hạt nêm... các loại.
- Những chương trình họ thường tài trợ: Dựa trên cái "gu" của từng thương hiệu, bạn đoán định xem chương trình của bạn có "hợp khẩu" họ hay không. Ví dụ Kotex, Yomost hay tài trợ cho các chương trình trẻ trung, khẳng định cá tính, Tân Hiệp Phát thích các chương trình thể thao, ca nhạc, chương trình ảnh hưởng đến một cộng đồng lớn tùy định vị từng nhãn hàng, các hãng xây dựng như tôn Hoa Sen, gạch Đồng Tâm, thép Hữu Liên thích các chương trình thể thao như đua xe đạp, bóng đá vì nơi này tập trung nhiều đàn ông - khách hàng tiềm năng của họ, một số hãng lại chuyên tài trợ các chương trình từ thiện. Một điều cần lưu ý nữa là là tầm vóc chương trình tài trợ, n hững hãng lớn thì chỉ tài trợ những chương trình hoành tráng có giá trị lớn, ví dụ Yamaha chỉ tài trợ chương trình trên 1 tỷ đồng, nếu chương trình của bạn chỉ có 100 triệu đồng thì không nên gởi hồ sơ tài trợ.
Tài trợ bao nhiêu là đủ?
Thông thường, khi chạy tài trợ, nhà tổ chức thường phân ra các gói tài trợ khác nhau tùy theo giá trị tài trợ như tài trợ độc quyền, tài trợ vàng, tài trợ bạc, tài trợ hạng mục... Có một nhà tổ chức sự kiện kia, sau khi nỗ lực chạy tài trợ mà chỉ nhận được gói tài trợ bạc từ một nhà tài trợ nọ, họ xét thấy rằng số tiền tài trợ không thể tổ chức được chương trình, thế là họ đành hồi lại khoản tài trợ này và hủy bỏ chương trình mặc dù đã ký hợp đồng với nhà tài trợ. Việc này vừa làm họ mất công đi tới đi lui thuyết phục và thương thảo một thời gian dài, vừa làm xấu đi hình ảnh của bên tổ chức trong con mắt của nhà tài trợ. Để tránh những việc làm không chuyên nghiệp như thế này, trước khi thiết kế hồ sơ tài trợ, bạn phải xác định được ngân sách tối thiểu để có thể tổ chức sự kiện và thời gian tối thiểu phải chốt lại tất cả các khoản tài trợ. Thông thường, để tránh rủi ro không xin được tài trợ toàn phần, bạn nên dự trù khoản tài trợ tối thiểu nên là 70% - 80%, số còn lại bạn có thể bỏ ra hoặc là thay đổi chương trình theo hướng tối giản ngân sách, chẳng hạn số tiền cần làm Event là 700 triệu, bạn nên để gói tài trợ toàn phần là 1 tỷ đồng, gói tài trợ vàng là 800 triệu, tài trợ bạc là 600 triệu, như vậy dù chỉ có nhà tài trợ vàng hay tài trợ bạc, bạn vẫn có thể thực hiện Event này.
Nên cân nhắc kỹ các gói tài trợ
Một điểm cần lưu ý nữa là, nếu là tài trợ tiền mặt, thông thường nhà tài trợ chỉ ứng trước 50% đến 70% giá trị tài trợ chương trình, sau khi bạn đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho họ trong chương trình và chương trình kết thúc tốt đẹp, họ sẽ quyết định tiếp về phần còn lại. Bạn cần cân nhắc điều này để chuẩn bị một khoản ngân sách đủ để làm Event trong trường hợp chưa nhận đủ 100% giá trị tài trợ, và không bị "đổ nợ" nếu nhà tài trợ từ chối chi trả khoản còn lại nếu chương trình không thành công như mong đợi.
Bán cái nhà tài trợ quan tâm, không bán cái mình có
Xây dựng hồ sơ tài trợ là một việc quan trọng, nhưng nhiều người mời tài trợ lại không để tâm tìm hiểu coi nhà tài trợ cần gì và quan tâm đến điều gì, họ chỉ thao thao bất tuyệt về những gì họ cho là hay ho, thú vị. Hãy nhìn nhận hồ sơ của bạn dưới con mắt của nhà tài trợ để xem xét xem nó đã đủ thuyết phục hay chưa. Để làm được điều đó, chúng ta hãy cùng phân tích xem nhà tài trợ coi trọng những điểm nào của sự kiện cần tài trợ.
Việc đầu tiên người cho tài trợ sẽ quan tâm là điểm nhấn của sự kiện đó là gì, làm thế nào để chương trình thành công. Họ sẽ xem xét sự thành công của sự kiện thông qua 2 khía cạnh:
- Nhà tổ chức là ai, có đáng tin cậy về khả năng tổ chức sự kiện đó hay không: Cho dù bạn chỉ là một câu lạc bộ xã hội hay một công ty nhỏ, vẫn có cơ hội cho bạn nhận được tài trợ nếu bạn làm cho đơn vị tài trợ tin rằng bạn có thể tổ chức tốt chương trình. Điều đó có thể thể hiện qua background (lý lịch) tốt về tổ chức của bạn, qua những chương trình tương tự mà bạn đã làm, và qua những gì bạn thể hiện về cách thức tổ chức thực hiện sự kiện. Một số công ty mua format sự kiện, cuộc thi, lễ hội... từ nước ngoài, tương tự như nhượng quyền thương hiệu, tên tuổi và lịch sử thành công của chương trình ở nước ngoài đó sẽ gia tăng sự tin cậy cho người được chào tài trợ. Một số đơn vị chạy tài trợ lại gầy dựng uy tín cho mình bằng cách liên kết với những tổ chức, ban ngành khác như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên, Liên đoàn Lao động, Sở Khoa học-Môi trường... dưới vai trò cơ quan chủ quản hoặc nhà đồng tổ chức.
- Sự kiện đó có gì độc đáo, thú vị: Mỗi tháng có hàng trăm hàng ngàn chương trình ca nhạc, vài chục hội chợ triển lãm... trên khắp cả nước, bạn phải thuyết phục được họ là tại sao nên tài trợ chương trình của bạn thay vì chương trình khác. Những điểm mới lạ, những điểm nhấn đặc biệt, những điểm cuốn hút khán giả... sẽ là điều khiến nhà tài trợ thích thú, quan tâm chương trình.
Sau đó, họ sẽ cân nhắc mức độ phù hợp của sự kiện và giá trị tài trợ đối với mục tiêu marketing của họ:
- Đối tượng được tuyên truyền và tham gia là ai, có phải đối tượng khách hàng tiềm năng của họ hay không?
- Chương trình có đáp ứng được mục đích tài trợ của họ hay không: Có nhà tài trợ đang cần quảng bá thương hiệu, có người muốn thương hiệu của mình lấy lòng công chúng, có công ty đề cao mục tiêu thúc đẩy doanh số.., hãy khéo léo thăm dò để biết mục đích đó và dựa trên điều này bạn "chào hàng" cho họ những hoạt động và quyền lợi phục vụ cho mục đích của họ. Chẳng hạn một khách hàng đang muốn đẩy mạnh việc bán hàng, việc offer một gian hàng ngay tại sự kiện sẽ được họ đánh giá là một điểm hấp dẫn.
- Ngân sách xin tài trợ có tương xứng với nó hay không: Nhà tài trợ sẽ xem xét với ngân sách bạn đề xuất như vậy, có tương xứng với tầm vóc của sự kiện hay không, và nó có đáng "đồng tiền bát gạo" họ bỏ ra tài trợ hay không.
- Những quyền lợi mà người chạy tài trợ có thể chào (offer) cho nhà tài trợ có thể là:
- Song hành cùng sự kiện trên các phương tiện truyền thông
- Xuất hiện thương hiệu trên các vật phẩm tuyên truyền, quảng cáo, tài liệu
- Phát hàng mẫu
- Trưng bày sản phẩm
- Bán hàng
- Truyền thông về nhà tài trợ miễn phí trên báo đài bảo trợ truyền thông hoặc báo nào khác dưới dạng bài PR, banner miễn phí
- Làm khảo sát, thăm dò
- Được chia sẻ database người tham gia sự kiện
- Vấn đề truyền thông, tuyên truyền cho sự kiện, đứng dưới góc độ nhà tổ chức, có thể là để thu hút người tham dự và tạo sự nhận biết về chương trình, còn dưới góc độ nhà tài trợ, sẽ là cơ hội để đưa thương hiệu của họ đi cùng bạn trong chiến dịch truyền thông đó. Một số vấn đề bạn nên chú trọng là:
- Mức độ quảng bá rộng rãi của sự kiện: Có thể bạn chỉ cần thu hút 100 người đến với buổi hội thảo, nhưng cái nhà tài trợ quan tâm không phải là quảng bá cho 100 khách tham dự đó mà họ cần chiến dịch quảng cáo cho sự kiện có độ phủ đến 1 triệu người trước chương trình. Vì vậy, hãy truyền thông rộng rãi hết sức có thể vì nhà tài trợ thích điều đó.
- Con số cụ thể: Bao nhiêu tờ rơi được phát ra, bao nhiêu email được gởi đi, bao nhiêu diễn đàn được tuyên truyền, bao nhiêu bài PR được đăng. Những con số thuyết phục hơn ngàn lời nói.
- Đo lường một cách cụ thể: Đo lường được hiệu quả của truyền thông và sự kiện chính là đo lường hiệu quả tài trợ. Bởi vậy những tiêu chí đánh giá (KPI) như tỷ lệ người mở mail, số lượt người nhìn thấy bandrol, poster quảng cáo, lượt người xem trên diễn đàn... là cái mà nhà tài trợ cần.
- Nên có đối tác bảo trợ truyền thông: Đó có thể là báo đài, một website hay một diễn đàn nào đó. Nhà tài trợ cần thấy rằng có một đơn vị uy tín sẵn lòng đăng tin giới thiệu chương trình của bạn cho tất cả độc giả của họ và nhà tài trợ cũng được đi cùng các tin giới thiệu đó.
Hồ sơ mời tài trợ cần thể hiện điều người tài trợ quan tâm
Thời điểm nào chạy tài trợ tốt nhất
Những chương trình lớn, trị giá một vài tỷ đồng, thông thường phải gởi hồ sơ chào tài trợ trước cả năm để nhà tài trợ sắp xếp đưa vào kế hoạch marketing của mình. Những chương trình dưới 100 triệu thì có thể được ra quyết định tài trợ nhanh hơn, vì giá trị tài trợ không lớn và các công ty thường dành một khoản ngân sách nhất định để phòng hờ cho các chương trình nhỏ.
Tháng 11 tới tháng 12 hàng năm là thời điểm các công ty chốt ngân sách tài chính cho nên việc chào tài trợ vào thời điểm này hầu như là không khả thi. Nếu bạn cần vận động một khoản tiền tài trợ lớn cho năm sau, thì thời điểm gởi kế hoạch tốt nhất là 3 tháng cuối năm, vì lúc này người làm marketing đang"rục rịch" lên kế hoạch và ngân sách marketing cho năm sau, cơ hội bạn được đưa vào kế hoạch tài trợ cho năm sau của bạn sẽ cao hơn.
Ai nên là người đi gặp nhà tài trợ
Sau khi gởi hồ sơ tài trợ và hẹn gặp được nhà tài trợ để trao đổi trực tiếp, lúc này bạn nên quyết định những người nào thuộc ê kíp đi gặp nhà tài trợ. Theo tôi, tối thiểu nên có 3 người:
- Người vận động tài trợ: Có vai trò làm cầu nối giữa Ban tổ chức và nhà tài trợ
- Người lập ý tưởng, viết chương trình: Họ là người nắm rõ nhất linh hồn của sự kiện, họ hiểu thông điệp cần truyền tải, nội dung cụ thể của chương trình hơn tất cả những người khác nên có thể thể hiện nó một cách thuyết phục nhất.
- Người trực tiếp tổ chức Event: Nhà tài trợ có thể muốn biết về sơ đồ mặt bằng để quyết định việc đặt gian hàng tài trợ, muốn biết về quá trình đón khách để có thể phát tờ rơi quảng bá, người tổ chức sự kiện với kinh nghiệm và hiểu biết của mình có thể giải đáp thỏa đáng cho họ.
Chăm sóc nhà tài trợ
Sau khi nhà tài trợ đồng ý với việc tài trợ, hai bên sẽ tiến hành ký kết hợp đồng với những điều khoản rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ của hai bên. Một số nhà tài trợ còn yêu cầu bên tổ chức event đính kèm kế hoạch tổ chức, kế hoạch truyền thông... như một phần của phụ lục hợp đồng.
Bạn hãy chuẩn bị một bảng phân công công việc cho cả hai bên với những deadline rõ ràng. Ví dụ thời điểm nhà tài trợ chuyển logo, thời điểm bạn gởi layout các vật phẩm quảng cáo, thời điểm họ chuyển tiền - nếu là tài trợ hiện kim (in-cash) hay sản phẩm - nếu là tài trợ hiện vật (in-kind).
Trong Ban tổ chức của bạn, hãy cử ra một người chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện đầy đủ quyền lợi cho nhà tài trợ theo như hợp đồng. Nếu vì lý do gì đó mà nhà tài trợ vi phạm các điều khoản hợp đồng, ví dụ giải ngân tài trợ chậm trễ, lạm dụng quyền lợi... , để đảm bảo cơ sở cho những kiện tụng sau này, bạn cũng đừng đáp lại bằng cách không thực hiện các quyền lợi của nhà tài trợ. Vì khi thưa kiện, bạn sẽ bị coi à người đơn phương vi phạm hợp đồng và có thể phải gánh chịu những rủi ro về việc giảm hoặc hủy bỏ các khoản tài trợ, thậm chí phạt vi phạm hợp đồng.
Sau khi Event kết thúc, hãy gởi cho nhà tài trợ một báo cáo kèm theo những hình ảnh về Event cho dù họ có yêu cầu bạn hay không. Việc đó sẽ được nhà tài trợ đánh giá cao về sự chuyên nghiệp và đặt bạn vào danh sách ưu tiên cho những lần tài trợ tiếp theo.
Theo:eventchannel.vn
No comments:
Post a Comment